Trao đổi về pha mầu vẽ

Ngày đăng : 10:50:39 15-11-2021

Sau khi bài “Màu trắng của sơn dầu” của tôi xuất hiện tại SOI, một cuộc trao đổi thú vị đã diễn ra và được tách riêng thành bài “Pha màu: trao đổi giữa Quỳnh Mây và Nguyễn Đình Đăng“. Tôi đăng lại các comments liên quan tới đề tài này dưới đây để độc giả tiện theo dõi. Hình minh hoạ do tôi thêm vào.

add-subtract-color

QUỲNH MÂY

Nhân đọc bài “Màu trắng của sơn dầu” cùng với xem cái ảnh “luật hòa sắc” (cộng màu, trừ màu) của  tác giả Nguyễn Đình Đăng, tôi mạn phép viết mở rộng thêm một chút về một vấn đề rất vớ vẩn đối với các họa sĩ nhưng lại không nhỏ đối với những bạn bắt đầu học pha màu: “Các màu cơ bản là những màu nào? Từ những màu này pha được tất cả các màu khác phải không?” (không tính các loại màu sử dụng hóa chất đặc biệt không thể pha được như màu phát quang, nhũ,.v.v.).

Đọc đến đây, các bạn có thể đang cười tôi vì quả thật pha màu là bản năng quá thông thường của người họa sĩ, thông thường đến nỗi như hít thở hàng ngày. Cũng như các bạn, tôi 3 tuổi vẽ tranh, cần màu nào thì cứ pha ra thôi, cảm giác như chẳng bao giờ phải động não cả.

Bây giờ ở khắp nơi bán nhan nhản các bản in dạy về màu cơ bản, về phối màu. Phải chăng vấn đề của tôi lại càng thừa thãi.
Không hẳn thế.

Tôi khi dạy các cháu bé pha màu đã phải phân tích thêm về ánh sáng và hóa chất. Các bản in dạy về màu cơ bản là đỏ cờ, vàng và lam. Nếu dùng 3 màu này và đen trắng, không thể pha ra được tất cả các màu sắc khác. Ví dụ đỏ cờ pha lam sẽ ra nâu hoặc tím xỉn chứ không thể pha ra được màu tím tinh khiết vì trong đỏ cờ có vàng.

Vậy là cầm trên tay những bản in về màu cơ bản và cách phối màu do học sinh mua mang đến, tôi đã phải làm 1 đường vòng sơ qua các loại kiến thức vật lí. Với các bé lớn thì ok, với các bé 5, 6 tuổi thì tôi đành chỉ đưa cho các bé 3 màu đỏ điều (hồng đậm – magenta), vàng, lam cùng 2 màu đen, trắng và dạy cách pha thôi. Cuối cùng các học trò của tôi đều có thể pha được tất cả các màu mà tôi thách đố từ 5 màu tôi đưa. Chỉ có điều khác với bản in là: trên dải màu pha giữa vàng và “đỏ” của tôi có: vàng, vàng thư, vàng nghệ, cam tươi, cam, cam đậm, đỏ cờ, đỏ điều (đỏ cờ là do đỏ điều pha thêm vàng). Các bé cũng đã pha được màu tím trong trẻo trong dải màu do màu đỏ điều kết hợp với màu lam. Cuối cùng học trò của tôi bỏ bản in dạy cách pha màu đi và tự tin pha các màu mà các bé muốn bằng những màu tôi đưa.

Tuy nhiên tôi chỉ là một họa sĩ, chứ không phải một chuyên gia hay một nhà khoa học nên tôi cảm mừng khi có những bài phân tích kĩ lưỡng như các bài viết của tác giả Nguyễn Đình Đăng. Rất rõ ràng, khúc triết và hữu ích cho nhiều người trong giới và ngoài giới. Rất cảm ơn anh.

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

@ Quỳnh Mây,

Quy luật cộng màu:

Ba màu sơ cấp (hay cơ bản) trong ánh sáng là đỏ (red, R), lục (green, G), và lam (blue, B) (3 hình tròn bên trái – Cộng màu – trong hình minh họa Luật hòa sắc của bài chủ).

Ánh sáng đỏ hòa với ánh sáng lục cho ánh sáng vàng (yellow, Y).

Ánh sáng lục hòa với ánh sáng lam cho ánh sáng màu da trời (cyan, C).

Ánh sáng lam hòa với đỏ cho ánh sáng tím hồng (magenta, M).

Tím hồng là màu khá gần với màu tím (violet). Tím hồng (magenta) là màu không có trong phổ ánh sáng tự nhiên.

Các màu tím hồng (M), vàng (Y), và da trời (C) được gọi lả các màu thứ cấp (secondary) của ánh sáng, vì chúng được tạo bởi hòa hai chùm ánh sáng màu sơ cấp (primary). Nếu hòa cả 3 chùm ánh sáng sơ cấp R, G, B với nhau ta được ánh sáng trắng. Đó là quy luật cộng màu.


Quy luật trừ màu:

Trong màu hóa chất như mực in, phẩm nhuộm, sơn thì ngược lại: Ba màu sơ cấp là tím hồng (magenta, M), da trời (cyan, C), và vàng (yellow, Y) (3 hình tròn bên phải – Trừ màu – trong hình minh họa Luật hòa sắc của bài chủ).

Tím hồng (M) hòa da trời (C) cho lam (blue, B),

C hòa với Y cho lục (green, G),

Y hòa với M cho đỏ (red, R).

Như vậy, trong màu hóa chất thì đỏ, lục, và lam lại là 3 màu thứ cấp. Hòa 3 màu sơ cấp hóa chất M, C, Y với nhau vể mặt nguyên tắc ta được màu đen. Nhưng vì các màu hóa chất không tuyệt đối tinh khiết, nên vẫn cần có màu đen riêng. Vì thế, trong in ấn, chỉ cần 4 mầu CMYK, trong đó K = key, tức màu đen, là in ra được tất cả các màu, trừ màu trắng (là màu của giấy).

Tại sao màu hóa chất lại tuân theo quy luật trừ màu? Đó là bởi vì vật chất bản thân nó không có màu sắc (trừ những vật tự phát sáng) mà chỉ tán xạ và hấp thụ các bước sóng ánh sáng đơn sắc trong ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu đỏ là vì khi ánh sáng trắng chiếu vào nó, nó hấp thụ các ánh sáng lục và lam, chỉ phản chiếu ánh sáng đỏ vào mắt ta. Một vật có màu đen khi hấp thụ tất cả ánh sáng chiếu vào nó. Một vật có màu trắng vì nó phản xạ tất cả các bước sóng ánh sáng.

Các họa sĩ Tân Ấn tượng là Georges Seurat (1859-1891) và Paul Signac (1863 – 1935) đã chủ trương áp dụng quy luật cộng màu của ánh sáng vào hội họa. Thay vì trừ màu như khi pha màu trên palette, họ đã vẽ theo kiểu chấm chấm (pointilism) và lý luận rằng khi đặt một chấm đỏ cạnh chấm lục chẳng hạn, thì hai chùm ánh sáng đỏ và lục phản chiếu tới mắt ta sẽ hòa với nhau theo quy luật cộng màu và ta sẽ nhìn thấy màu vàng. Tuy nhiên, trên thực tế để đạt hiệu quả, các chấm phải rất nhỏ, và cường độ phải rất mạnh (Đó chính là nguyên tắc nhờ đó ta nhìn thấy màu trên màn hình TV màu dùng ống hình điện tử sau này). Trong khi đó các chấm của các họa sĩ Tân Ấn tượng thì có khi to như ngón tay, nên hiệu quả không được như đã tưởng tượng.

A_Sunday_on_La_Grande_Jatte,_Georges_Seurat,_1884

Georges Seurat (1859 – 1991)
Chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte
sơn dầu, 207.5 x 308.1 cm, 1884 – 1886, Art Institute of Chicago

Trên thực tế các hạt màu trong màu vẽ không phải là các màu sơ cấp lý tưởng. Vì thế bảng pha màu (hay vòng màu sắc) chỉ có tác dụng định hướng. Họa sĩ chỉ thực sự hiểu màu pha trộn với nhau như thế nào dựa trên kinh nghiệm của mình.


Bảng pha màu của họa sĩ

color-wheel-main2

Bảng pha màu (hay vòng màu sắc) của họa sĩ cũng tuân theo quy luật trừ màu nhưng hơi khác bảng pha màu của màu hóa học, phẩm nhuộm và sơn một chút.

Họa sĩ coi 3 màu đỏ (red, R), vàng (yellow, Y) và lam (blue, B) là 3 màu sơ cấp (cơ bản), còn pha trộn hai màu bất kỳ trong 3 màu sơ cấp đó thì được một màu thứ cấp. Như vậy 3 màu thứ cấp là:

Đỏ + Vàng -> Da cam (Orange)

Vàng + Lam -> Lục (Green)

Lam + Đỏ -> Tím (Violet)

Thông thường vòng màu sắc được xếp theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ:

Đỏ, da cam, vàng, lục, lam, tím, trong đó màu đỏ đối đầu (><) với màu lục, da cam >< lam, vàng >< tím. Những màu đối đầu nhau được gọi là các màu bù nhau (complementary). Trộn hai màu bù nhau theo ti lệ bằng nhau thì được màu đen hoặc gần đen (xám, nâu).

Trộn màu sơ cấp với màu thứ cấp cạnh nó thì được màu tam cấp (tertiary).

Đó là bảng pha màu thường được dạy cho các học sinh học vẽ.

Màu đẹp hay xấu trước hết phụ thuộc vào chất lượng màu vẽ. Muốn có các hoà sắc đẹp thì trước hết phải dùng màu chất lượng cao, cũng như muốn có tiếng đàn hay thì đàn phải tốt. Có giỏi đến mấy mà vớ phải họa phẩm tồi hay nhạc cụ dở thì cũng bó tay. Vì thế họa sĩ nên cố dùng những họa phẩm tốt nhất mà mình có thể mua được.

PHÓ ĐỨC TÙNG hỏi: “Lý do gì mà bảng màu của họa sỹ lại khác với nguyên lý trừ màu một chút nhỉ ?” (sic)

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Lý do lịch sử.

Le_Blon_three-color_printing

Trang trong cuốn Coloritto (1725) của J.C. Le Blond mô tả quá trình in ấn theo mô hình RYB.

Bảng màu của họa sĩ, được gọi là mô hình RYB (Red – Yellow – Blue) là bảng được thiết lập dựa trên kinh nghiệm của họa sĩ và được coi là nền tảng của lý thuyết hòa sắc từ thế kỷ XVIII, kể cả trong kỹ nghệ in ấn. Bảng màu RYB được Jacob Christoph Le Blon đề xuất vào năm 1725, khi cho rằng “hội họa có thể mô phỏng tất cả các vật nhìn thấy được bằng 3 màu đỏ, vàng và lam.” Mô hình RYB của Le Blon sau này được nhiều hoạ sĩ phát triển thêm, trong đó có Philippe Otto Runge (1777 – 1810) – người đã đề xuất quả cầu màu sắc (color sphere) thay vì bánh xe màu sắc (color wheel). Mô hình của Johannes Itten (1888 – 1967) sau này không khác mô hình của Runge mấy.

Farbkreis_Itten_1961

Mô hình pha mầu của Johannes Itten

Còn bảng màu CMYK (Cyan – Magenta – Yellow – Black), ra đời vào thế kỷ XX dựa trên lý thuyết trừ màu đã nói trong bài chủ. Nó được áp dụng trong in offset màu halftone.

RYB hay CMYK, bảng pha màu nào tốt hơn?

Sự pha trộn màu của họa sĩ cho phổ màu rộng hơn phổ màu của mô hình CMYK nhiều. Trên thực tế, khi vẽ sơn dầu, họa sĩ không chỉ dùng 3 màu sơ cấp RYB để pha ra các màu thứ cấp và tam cấp, mà pha trộn từ những màu có sẵn đã được nghiền từ các pigment được tổng hợp hay lấy từ tự nhiên như da cam, lục, tím và hàng loạt màu tam cấp với các chuyển sắc của chúng. Số màu sơn dầu được sản xuất bán cho các hoạ sĩ có trên 100 sắc. Chỉ cần trộn tất cả các cặp 2 màu trong số 100 màu đó là đã được 4950 sắc. Trộn tất cả các cặp 3 màu trong số 100 màu đó ta được 161.700 sắc. Đấy là chưa kể các sắc đậm nhạt do tỉ lệ các màu khác nhau và thêm màu sáng (như trắng) hoặc màu tối (như đen) gây ra. Các tổ hợp của 4 màu (CMYK) trong công nghệ in ấn không thể nào mô phỏng lại chính xác được phổ màu của hoạ sĩ.

Tuy nhiên mô hình CMYK cho phép việc tách màu trong công nghệ in ấn trở nên đơn giản, có thể làm được nhanh nhiều và rẻ. Trong quá trình tách màu khi in ấn người ta thay những sắc không có trong bảng pha màu CMYK bằng những sắc gần giống như vậy. Vì thế mà các phiên bản tranh không tài nào tạo được màu giống với tranh gốc.

Nhưng phổ màu mà mắt người có thể nhìn thấy còn rộng hơn phổ màu của hoạ sĩ cũng như phổ được tạo bởi bảng CMYK nhiều. Công nghệ ngày nay còn chưa cho phép sản xuất ra bất cứ thiết bị như màn hình, hay in quá trình ấn nào cho phép mô phỏng tất cả các màu mà mắt người cảm nhận được. Tương tự như vậy không có một nhạc cụ hay thiết bị điện tử nào có thể mô phỏng được tất cả các âm thanh tai người có thể cảm nhận.

QUỲNH MÂY

Cảm ơn anh Nguyễn Đình Đăng đã phân tích rất kĩ lưỡng và tận tình.
Tôi cũng có giới thiệu với các họa sĩ tương lai về một số màu có sẵn mà chúng ta không thể tự pha được từ những màu cơ bản vì chúng được sản xuất từ những chất đặc biệt và một số vấn đề pha màu không theo lí thuyết do phản ứng hóa học của hóa chất.

Tôi cũng thường đố các em “Hai màu pha với nhau ra được bao nhiêu màu?”. Câu trả lời ban đầu của các em thường là : “Được 1 màu”. Sau khi làm dải sắc độ, các em mới hiểu rằng tùy tỉ lệ màu trộn vào nhau mà các em có được các màu khác nhau. Ví dụ pha đỏ với lam ra xanh tím, tím xanh, tím, tím đỏ,… hay pha màu vàng với lam ra lá mạ, nõn chuối, lá cây, xanh cổ vịt,…

Tôi xin đề nghị chúng ta tạm bàn riêng về màu hóa chất vì đa số các họa sĩ đang dùng màu hóa chất.
Các bạn thử pha các nhóm màu:
Hồng đậm (magenta) + lam
Hồng đậm + vàng + lam
Đỏ cờ + lam
Nhóm màu đầu tiên pha ra được những màu mà 2 nhóm màu bên dưới không pha được.
Hai nhóm màu bên dưới sẽ pha ra màu xỉn hơn vì đỏ cờ chính là hồng đậm pha với vàng.
Xét về mặt lí thuyết, màu gốc là màu không do 2 màu khác tạo nên.
Đỏ cờ là do hồng đậm cùng vàng tạo thành, nên về mặt hóa học (không tính ánh sáng) đỏ cờ không thể được tính là màu gốc.

Ngoài ra tôi xin mạo muội góp ý thêm một chút xíu xiu về đoạn văn sau của anh :
“Màu đẹp hay xấu trước hết phụ thuộc vào chất lượng màu vẽ. Muốn có các hoà sắc đẹp thì trước hết phải dùng màu chất lượng cao, cũng như muốn có tiếng đàn hay thì đàn phải tốt. Có giỏi đến mấy mà vớ phải họa phẩm tồi hay nhạc cụ dở thì cũng bó tay. Vì thế họa sĩ nên cố dùng những họa phẩm tốt nhất mà mình có thể mua được”.

Tôi nghĩ chất lượng màu vẽ cao giúp bảo toàn bức tranh lâu dài chứ không quyết định màu đẹp hay hòa sắc đẹp. Tôi có dạy học sinh là không có màu nào xấu. Màu đẹp hay không đẹp phụ thuộc vào việc các em phối màu với nhau như thế nào.

Thời sinh viên tôi từng dùng màu Trung Quốc để vẽ. Sau một vài năm, cái xuống màu, cái mốc rất đau lòng. Bao nhiêu công sức vẽ đổ xuống sông.

Tuy nhiên nhìn lại những ngày xa xưa, thời chưa có màu tốt như bây giờ, ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn còn lưu giữ được nhiều tranh đẹp, màu đẹp, hòa sắc đẹp.
Âm nhạc cũng vậy, đôi khi không cần đàn xịn, có những nhạc sĩ chỉ cần phối hợp tiếng cưa thô lậu với những âm thanh thô sơ mà tạo được những bản nhạc hay.

Tôi nghĩ lúc viết đoạn này anh Đăng tập chung vào vấn đề chất lượng màu chứ không định nói rộng như tôi. Mong anh thông cảm vì tôi hơi đi quá sâu </div><div class=Tags: