Bút danh: Nguyễn Thái Hà
Năm sinh: 18/11/1924 tại Bắc Ninh
Năm mất: 12/10/2005 tại thành phố Hồ Chí Minh
Phong cách nghệ thuật: sơn mài khắc
Các tác phẩm chính: Tây Nguyên bao la, Tiếp Vận Tây Nguyên, Làng miền núi
Họa sĩ Thái Hà tên thật là Nguyễn Như Huân, sinh năm 1924 ở Tân Hồng, huyện Tiến Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình nhà giáo. Năm 17 tuổi ông thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương và theo học khóa 1940 – 1945. Ông là họa sĩ đầu tiên của Hà Nội nhập ngũ và Nam Tiến ngay khi vừa tốt nghiệp (8/1945). Ông tham gia lớp quân chính cấp tốc đầu tiên tại Hà Nội ( sau khởi nghĩa 19/8/1945).
Ở chiến trường liên khu 5 và Tây nguyên, ông được cử làm đại đội trưởng chỉ huy một đội trọng pháo. Suốt những năm 1946 đến 1954, ông vừa là chỉ huy quân đội vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Họa sĩ Thái Hà (lúc bấy giờ là Nguyễn Như Huân) đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: vừa là chiến sĩ vừa là họa sĩ. Và chính trong thực tế cuộc sống, chiến đấu đầy gian lao đó đã để lại cho ông những dấu ấn, những tình cảm sâu nặng với một miền đất mà ông yêu quý và ông đã thể hiện trong những tác phẩm sau này.
Sau Hiệp định Gene’ve 1954, ông tập kết ra Bắc. Tại Khu triển lãm quân đội (ở Bích Câu gần Quốc Tử Giám cuối năm 1954) có một gian triển lãm hội họa, họa sĩ Nguyễn Như Huân tham gia 03 tác phẩm lụa, kích thước 1mx1,6m “Các bà mẹ đấu tranh chống bắt lính ở Quảng Nam”, “Nhớ ngày Tây Nguyên giải phóng”, “Giao thông chiến trên đèo Hải Vân”.
Năm 1957, ông được cử sang Liên Xô họa hai năm về thiết kế mỹ thuật điện ảnh phim truyện. Sau khi về nước, ông tham gia thiết kế mỹ thuật bộ phim “Chim Vành Khuyên” (1962). Đây là tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được đánh giá là một bài thơ trên phim nhựa, có giá trị về nhiều mặt của nền điện ảnh dân tộc Việt Nam. Trong khoảng thời gian nầy, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm về Tây Nguyên, vừa có giá trị về mặt lịch sử, vừa có giá trị về mặt nghệ thuật như: “Tây Nguyên bao la” (sơn mài khắc 120cmx240cm) – hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm còn được giải Mỹ thuật Quốc gia (1960), “Tiếp Vận Tây Nguyên” (Sơn mài khắc 60cmx120cm), “Làng miền núi” (sơn mài khắc 60cmx60cm). Hai tác phẩm này được lưu ở Bảo Tàng Phương Đông (Liên xô).
Nhưng một lần nữa, theo tiếng gọi của miền Nam thân yêu, ông đã giã từ cuộc sống yên bình đầy danh vọng ở miền Bắc, vượt Trường Sơn đến miền đât phương Nam đầy nắng ấm, nhưng cũng nhiều gian khổ, ác liệt. Vừa đặt chân đến miền Đông Nam bộ, chưa kịp xua đi những cơn sốt rét rừng, những nắng gió của bụi đường Trường Sơn, với nhiệm vụ là Trưởng phòng hội họa giải phóng (đầu 1964), (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam). Ông đã cùng họa sĩ Huỳnh Phương Đông (phụ trách chính) mở lớp đào tạo hội họa 6 tháng. Lớp đã tập trung gần 70 học viên từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau. Những họa sĩ được đào tạo cấp tốc này đã trở thành lực lượng đáng kể trong phong trào sáng tác và phục vụ công tác tuyên truyền cho các địa phương. Trong thời gian về nhận nhiệm vụ ở Ban Tuyên huấn Trung ương cục, họa sĩ Thái Hà được dành nhiều thời gian cho những chuyến đi thực tế ở các chiến trường: từ đất thép Củ chi cho đến những chuyến vượt Đồng Tháp Mười đến Mỹ Tho, Bến Tre, qua Cửu Long Giang cuồn cuộn sóng đến Bạc Liêu, Cà Mau. Và Cà Mau – mảnh đất kiên cường với rừng U Minh huyền bí đã giữ chân ông lâu nhất trong chuyến đi đầy cam go này. Nơi đây, ông đã mở lớp tập trung dạy vẽ cho 11 học viên được cử đến từ các tỉnh Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Trà Vinh…Trên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, ông đã gắn bó với đồng bào, chiến sĩ với phong trào đấu tranh của địa phương. Đến đâu, ông cũng cùng học viên bày ký họa cho nhân dân du kích xem. Ông được mọi người quý mến, và họ gọi ông là họa sĩ 6 túi (túi nào cũng có sổ ký họa, bút vẽ, màu nước).
Cũng như mảnh đất Tây nguyên hùng vĩ, đất Cà Mau lắm tôm nhiều cá đã trử thành đề tài sáng tác phong phú cho ông sau này. Với ông, vẽ như hơi thở, nên trong hoàn cảnh khó khăn nào của chiến trường, ông cũng luôn tranh thủ, ghi chép ký họa.
Năm 1968, tại trụ sở của Hội Văn nghệ, số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Bác Hồ đã đến xem triển lãm ký họa “Miền Nam Việt Nam Đất nước con người” của các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Kính, Lê Hồng Hải, Trần Văn Chương – Và ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu chiếm một số lượng khá lớn.
Họa sĩ Thái Hà quan niệm nghệ thuật gắn liền phục vụ xã hội, cho nên đến địa phương nào, ngoài việc ký họa làm tư liệu, ông còn trình bày, minh họa báo chí, vẽ tranh truyện về các nhân vật điển hình trong phong trào đấu tranh vũ trang và chính trị; đào tạo cán bộ mỹ thuật cho địa phương. Ông ký họa nhanh nhưng với sự quan sát tinh tế và nắm bắt nhũng chi tiết cần thiết, cho nên đường nét đơn giản mà lại sinh động. Ông quan niệm vẽ như một trò giải trí. Điều đó chỉ có thể có được ở một người có vốn sống phong phú với cảm xúc sáng tác mãnh liệt. Tuy vậy, ông là người rất nghiêm túc và nghiêm khắc trong sáng tác, ông không chấp nhận một sự dễ dãi, hời hợt và dành tất cả thời gian cho công việc sáng tác của mình.
Khoảng 1970, ông được trở ra miền Bắc nghỉ dưỡng. Trong thời gian này, ông đã ấp ủ rất nhiều cho những sáng tác dài hơi bằng chất liệu sơn mài khắc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cử vào Sài Gòn với cương vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật phía Nam và tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhiệm kỳ. Công việc tuy bộn bề, nhưng ông vẫn dành thời gian cho sáng tác. Mảng đề tài chính của ông là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Những tác phẩm sơn mài khắc kích cỡ lớn lần lượt ra đời như “Nhà rông Tây Nguyên”, “Đam San”, “Rừng U Minh”, “Du Kích Nam Bộ” v.v… Hầu hết những tác phẩm này được lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… Ông sáng tác về đề tài chiến tranh, nhưng cuộc chiến ở đây không căng thẳng ác liệt mà rộn ràng như một lời thơ, tiếng hát, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cái khẩn trương với sự ung dung thanh thản. Sức mạnh tiềm ẩn của một dân tộc mà “Tiếng hát át tiếng bom” đã chứa đựng trong tác phẩm đầy sức sống của ông.
Năm 2002, biết tuổi đã gần đến cái già, họa sĩ Thái Hà đã viết những dòng tâm sự: “Chiến tranh đã chấm dứt gần 30 năm. Gần 30 năm qua được hưởng hòa bình, có phương tiện đầy đủ, tôi đã làm được gì trong cái hoài bão vẽ để lại cho đất nước, mai sau… Ký họa hàng nghìn, ký họa đẹp, đa dạng, nhưng nó là ký họa. Tác phẩm sáng tác hàng trăm, lựa lại cũng được hàng chục. Nhưng vẫn cảm thấy không nói được những gì muốn nói…”. Và ngày 30 tháng 4 năm 2002, ông đã thuê một căn phòng lớn để làm việc. Miệt mài, trăn trở, tìm tòi suốt 180 ngày đêm, ông mới thể hiện xong phác thảo: Đường mòn Hồ Chí Minh với chủ đề Thần tố giải phóng Miền Nam. Và tác phẩm sơn mài khắc kích cỡ 2,5mx6m đã được ông cùng nhóm họa sĩ từng sống, chiến đấu ở miền Nam như Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Thành Hiệp, Nguyễn Tiến thực hiện và hoàn thành từ ngày 30/4/2002 đến 30/7/2003. Tác phẩm ấy là sự tổng kết chiến tranh được chắt lọc từ các phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chánh trị của các tầng lớp từ nông thôn cho đến thành thị.
Thái Hà – người họa sĩ – chiến sĩ ấy sinh ra từ vùng đất Kinh Bắc nổi tiếng với nghệ thuật kiến trú, điêu khắc dân gian, với làn điệu Quan Họ của các cô gái trong ngày Hội Lim bên sông Cầu. Nhưng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, dấu chân của ông đã đặt lên mảnh đất miền Trung núi non xanh thẳm, có con sông Thu Bồn xuôi về phố cổ Hội An, đến với Tây Nguyên với trường ca Đam San trữ tình, tiếp bước đến rừng miền Đông, rồi vượt dòng Cửu Long Giang đến với miền Tây Nam Bộ với rừng dừa, rừng đước, với dòng sông Trẹm đục ngầu phù sa…
Và cuối cùng ông cũng thanh thản ra đi vào tuổi 80. Với những thành tích đóng góp cho nền Mỹ thuật nước nhà, ông là một trong 8 họa sĩ, điêu khắc của thành phố Hồ Chí Minh được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt I (năm 2001).