Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – “Một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật”

Ngày đăng : 11:09:06 01-09-2020

Nguyễn Văn Tỵ - họa sĩ Việt Nam từng viết: “Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó.”

Ngày sinh: tháng 2 năm 1912

Ngày mất: 22 tháng 9 năm 1977

Quê quán: Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà Nội

Tác phẩm: Du kích La Hay tập bắn (1947), Làm kíp lựu đạn, Bài ca Nam tiến (1947), Khai hội, Học hỏi lẫn nhau (1960), Công nhân cơ khí (1962), Tan ca mời chị em ra họp thi thợ giỏi, Cổng thành Huế, Cổng làng (bột màu), Từ Hải (khắc gỗ màu), Vẽ tranh bìa cho tập "Xuân thu nhã tập".

Giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 1996, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba


Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912 - 1977) quê quán ở Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà Nội, sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học ở Hà Nội, có cha là cụ tú Nguyễn Đỗ Mục - một nhà nho yêu nước hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Nguyễn Đỗ Cung tốt nghiệp khóa 5 (1929 - 1934) Trường Mĩ thuật Đông Dương. Ra trường, ông mở xưởng tranh sơn mài, sau nhượng lại cho hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông dạy vẽ ở nhiều trường tư thục tại Hà Nội và Huế, từng làm Tổng thư kí Hội Khuyến khích Mĩ thuật và Kĩ nghệ (SADEAI). 

 

Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-1

 

Chân dung họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung

 


Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Đỗ Cung là một trong ba nghệ sĩ được vào Phủ Chủ tịch trực tiếp vẽ và nặn tượng về Bác Hồ. Khi toàn quốc kháng chiến (1946), Nguyễn Đỗ Cung tình nguyện tham gia đoàn quân Nam tiến. Ông hoạt động văn hoá nghệ thuật ở Khu V và mở nhiều lớp dạy vẽ ngắn ngày. Với phương pháp đào tạo mới, ông đã góp phần xây dựng được một đội ngũ hoạ sĩ, trong số đó nhiều người đã trở thành hoạ sĩ có tiếng tăm trong giới mĩ thuật. Năm 1949, Nguyễn Đỗ Cung chuyển ra miền Bắc công tác ở Tiểu ban Văn nghệ trung ương. Thời kì này, ông đã giới thiệu một số tác phẩm vẽ tại Khu V như: Du kích La Hai, Làm kíp lựu đạn, Cuộc họp... bằng chất liệu bột màu với bút pháp và cách nhìn mạnh bạo, chất màu trong trẻo. Ông còn tham gia sáng tác nhiều tranh cổ động, vẽ mẫu tín phiếu và giấy bạc. Ông được đồng chí Phạm Văn Đồng (là đại diện Chính phủ Trung ương ở miền Nam Trung Bộ lúc bấy giờ) ghi nhận là “Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Văn hoá”. 

Năm 1954, khi hoà bình lập lại, Nguyễn Đỗ Cung mới có điều kiện sáng tác những tác phẩm cỡ lớn. Ông lấy hình tượng người công nhân sản xuất làm đối tượng phản ánh trong các tác phẩm của mình, ví dụ như các bức tranh: Học hỏi lẫn nhau (1960), Công nhân cơ khí (1962). Năm 1976, Nguyễn Đỗ Cung hoàn thành bức sơn dầu Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi. Đây là một trong những tác phẩm đẹp và tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm này giành được giải nhất trong Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 1976 và được lưu giữ trong Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Ngoài ra ông còn sáng tác một số chân dung Bác Hồ bằng sơn dầu và khắc gỗ. Có thể nói những bức tranh  bột mầu vẽ công nhân trong các công binh xưởng năm 1947 và những bức tranh về công nhân của những năm 60  đã đưa ông vào vị trí những hoạ sĩ hàng đầu vẽ về đề tài công nghiệp Việt Nam với nhân vật người công nhân làm trung tâm sáng tác. Nguyễn Đỗ Cung còn là một nhà nghiên cứu nghệ thuật. Ông có nhiều bài viết về nghệ thuật phương Đông và phương Tây, đặc biệt là mĩ thuật cổ Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Mĩ thuật, đồng thời cũng là người có công đầu trong việc xây dựng Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội khoá I của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. 

 

Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-2

 

Tác phẩm Du kích La Hay tập bắn

 


Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, đã viết nhiều chuyên khảo về mỹ thuật cổ đại Việt Nam. Ông nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc qua kiến trúc cổ, tìm kiếm các trào lưu nghệ thuật phương Tây đầu thế kỉ 20, thể nghiệm khuynh hướng lập thể với mong muốn tạo sắc thái mới cho hội họa. Năm 1962, được giao trọng trách thành lập Viện Bảo tàng Mỹ thuật và chỉ đạo xây dựng nhà Bảo tàng Mỹ thuật, đã bồi dưỡng nhiều cán bộ nghiên cứu mỹ thuật qua phương pháp khảo sát các di tích mỹ thuật Việt Nam.

 

Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-3

Tác phẩm Học hỏi lẫn nhau (sơn dầu, 1960)

 

 

Nổi tiếng là người nghiêm khắc và chỉn chu, họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã có công đào tạo ra thế hệ các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Cách giảng giải các vấn đề phức tạp của ông được thể hiện bằng các câu ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa lượng thông tin cao. Trong những năm bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông và các học trò đã có chuyến đi điền dã tại nhiều chùa của Hà Tây, Bắc Ninh và Phú Thọ hàng tháng trời. Đó là chuyến thực địa kỹ càng nhất, lý thú nhất mà thầy trò của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện để nghiên cứu về phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung đã phác thảo đặc điểm kiến trúc và nghệ thuật thời kỳ này bằng các câu như “Trang trí ở chùa Tây Phương tuy có đơn điệu thật nhưng chất sống động, chất thực đã được hồi sinh. Tượng thì tuyệt đẹp. Phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 chỉ còn là những đường thẳng cứng cỏi. Các mô típ cũng có sự thay đổi về nhịp điệu tạo hình”. Cứ ôn tồn giảng dạy kết hợp với việc được tận mắt nhìn từng đường nét kiến trúc, từng mảng chạm khắc, các nhà nghiên cứu trẻ như quên đi tất cả; bom đạn, thiếu thốn, vất vả và chuẩn bị cho công việc biên soạn cuốn sách “Đề cương lịch sử mỹ thuật Việt Nam”. 


Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đã nhận xét: “Ông là hoạ sĩ đồng thời là một nhà nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mở đầu cho việc đào tạo lớp các nhà nghiên cứu sưu tầm về lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của ông trong thời kháng chiến ở Liên khu V đã phản ánh được tinh thần anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến với sự nghiên cứu, ông đã có những tìm tòi sáng tạo mới trong những tranh về lao động sản xuất công nghiệp, là những tác phẩm có giá trị cao.”

 

Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-5

 

Tác phẩm Công nhân cơ khí (1962) Sơn dầu. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam

 

 

Hoạ sĩ - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung là một chiến sĩ trên mặt trận Văn hoá Nghệ thuật của Đảng, với tính cách thẳng thắn, bộc trực nhưng cũng rất khiêm nhường và có nếp sống giản dị. Ông là một hoạ sĩ tài danh, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam uyên thâm, đặt nền móng cho việc nghiên cứu Mỹ thuật cổ Việt Nam. Ông đã có công xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam với một đội ngũ nghiên cứu Mỹ thuật xuất sắc. Trong quá trình công tác hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba (1952), Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (1977), Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.Năm 1996, hoạ sĩ tài ba Nguyễn Đỗ Cung được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Chân dung Bác Hồ - Sơn dầu- 31x22,7cm (1946); Du kích La Hai - Bột màu- 40x50cm (1947); Du kích tập bắn- Bột màu (1948); Học hỏi lẫn nhau - Sơn dầu- 90x92cm (1960); Công nhân cơ khí - Sơn dầu- 66x92cm (1962); Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi - Sơn dầu- 104x118cm (1976).

 

Hoa-sy-Nguyen-Do-Cung-mui-thep-sat-nhon-trong-nghe-thuat-6

  

Tác phẩm Tan ca, mời chị em đi họp để thi thợ giỏi

Tags: