Nhắc về cái tên Tạ Thúc Bình, làng hội họa biết đến ông là họa sĩ vẽ minh họa nhiều tác phẩm lịch sử, truyện tranh thiếu nhi cho các NXB, đặc biệt là NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (1957). Không những vậy, ông còn là người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) và là một thầy giáo tận tụy, tận tâm xứng đáng được tất cả mọi người ghi nhớ và kính trọng.
Họa sĩ Tạ Thúc Bình
Họa sĩ Tạ Thúc Bình sinh ngày 29 tháng 2 (nhuận) năm 1917 tại phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình đông con có nền nếp gia phong, nhưng chỉ có một mình ông theo ngành mỹ thuật. Năm 1937, Tạ Thúc Bình tốt nghiệp Thành chung. Đi làm được ba năm, năm 1940 ông quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vào học khóa 15 cùng lớp với các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm… Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ lên đường tham gia kháng chiến. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Ông là một trong những người thầy đầu tiên giảng dạy tại ngôi trường này cho đến ngày nghỉ hưu và cũng là người đã dành nhiều thời gian soạn chương trình Mỹ thuật dân gian vẫn còn sử dụng cho đến tận bây giờ.
Tranh lụa Góp thóc vào kho - Tác phẩm điển hình về sự điêu luyện trong bút pháp của họa sĩ Tạ Thúc Bình
Quyển sách "Nhà Giáo - Họa Sĩ Tạ Thúc Bình - Dung Dị Một Hồn Quê Kinh Bắc" do NXB Kim Đồng phát hành
Nhắc đến cái tên Tạ Thúc Bình, làng hội họa biết đến ông là họa sĩ vẽ minh họa nhiều tác phẩm lịch sử, truyện tranh thiếu nhi cho các NXB, đặc biệt là NXB Kim Đồng từ những ngày đầu thành lập (1957). Truyện, sách của các tác giả gắn liền với ký ức tuổi thơ như Phạm Hổ, Tô Hoài, Thy Thy đều có nét cọ của Tạ Thúc Bình. Biểu tượng búp măng non với ngôi sao đỏ và hai chữ KĐ - logo của NXB Kim Đồng - là do họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ.
Biểu tượng của NXB Kim Đồng - do họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ
Ông là một trong ba người thiết kế bìa mẫu cho loạt sách đầu tiên của NXB cùng với Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến. Ông đã vẽ minh họa cho rất nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử và truyện cho thiếu nhi cho NXB như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Thy Thy Tống Ngọc, Phạm Hổ… Có những truyện được vẽ từ những năm 50 - 70 của thế kỷ trước như: Tấm Cám (1958), Bánh chưng bánh dày (1960), Con cóc là cậu ông Trời (1968), Thạch Sanh (1970), Thánh Gióng (1971), Sự tích Trầu Cau (1978)… Những người nay ở độ tuổi 50 trở lên, nếu ham đọc sách đều nhớ và yêu thích tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Cái tên Tạ Thúc Bình chắc chắn sẽ được rất nhiều thế hệ thiếu nhi sau này trân trọng và yêu quý.
Minh họa truyện tranh Thạch Sanh
Ngoài vẽ tranh truyện, Tạ Thúc Bình còn để lại cho làng hội họa hàng trăm bức chân dung, trong đó có chân dung các anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trưng Trắc, Trưng Nhị. Triển lãm hội họa năm 1951 là cuộc triển lãm mỹ thuật lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả, phong phú về thể loại và chất liệu: từ tranh cổ động, trực họa đến tranh sơn dầu, lụa, bột màu, chì than, mực nho, thuốc nước, tranh tam bình, tứ bình... Ban giám khảo cuộc thi trong triển lãm này đã thống nhất tặng giải Nhất (giải của Quốc hội) cho 2 tác phẩm “Đóng thuế nông nghiệp” và “Chống giặc dồn làng” của Tạ Thúc Bình. Có thể nói giải thưởng lớn này là sự công nhận của xã hội với nghệ thuật phục vụ kháng chiến của họa sĩ Tạ Thúc Bình.
Tứ bình thuốc nước Trâu, bò, lợn, cá, gà
Cùng đồng học với Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm… những họa sĩ đang sôi nổi đi tìm kiếm cái mới ở nền nghệ thuật châu Âu đương đại, nhưng Tạ Thúc Bình đã khẳng định con đường đi riêng như cuộc sống bình dị của mình: chân phương, chân chất và khúc chiết. Xu hướng này bao trùm toàn bộ nghệ thuật của đời ông: mềm mại, óng ả, nhiều chất thơ ở tranh lụa; vui tươi, chan chứa tình cảm yêu đời, yêu cuộc sống ở mảng tranh tranh sơn dầu và bột màu; hùng tráng, mạch lạc, mực thước ở mảng tranh truyện, tranh liên hoàn… Tranh phong cảnh của ông tả được cái tĩnh lặng của miền thôn dã, với vùng đất sông Cầu, sông Đuống, sông Thương…, nơi mà tiếng hát quan họ vang vọng làm náo nức lòng người; nơi có Yên Thế, Nhã Nam, Đồng Mõ, Lục Nam, Lim, Thị Cầu, Sen Hồ… với trang sử hào hùng và cảnh quan đầy thơ mộng.
Tranh lụa Trên cánh đồng Đồng Giao
Tạ Thúc Bình chuyên về lụa và bột màu. Cái đẹp trong sáng nhiều ẩn dụ của tranh lụa thấm vào ông qua con đường rất hàn lâm của hội họa phương Tây mà ông được hấp thụ tại nhà trường tạo ra một phong cách rất riêng biệt gần với cách nhìn bình đồ của tranh dân gian. Tác phẩm của ông thường gắn liền với những sự kiện của đời sống, cho dù có khắc nghiệt và gian khó đến đâu, ông cũng luôn nhìn ra vẻ đẹp của người của cảnh. Những tác phẩm lớn của ông cũng ở giai đoạn này, như những bức lụa khổ lớn: Góp thóc vào kho, Mùa lúa chín, Mừng hội làng..., cùng những ký họa màu trên từng chặng đường. Góp thóc vào kho là một thí dụ điển hình về sự điêu luyện trong bút pháp Tạ Thúc Bình cộng với cách bố cục hoàn toàn Á Đông theo đơn tuyến bình đồ, với toàn cảnh được nhìn từ trên xuống. Với cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Bức tranh Mùa lúa chín (tranh sơn dầu, vẽ năm 1952), một trong những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Tạ Thúc Bình
Họa sĩ Tạ Thúc Bình đã đào tạo những thế hệ học trò giàu kinh nghiệm sư phạm và có tâm với nghề. Các con của ông cũng đã học được điều đó. Nhiều năm nay, dù tuổi cao sức yếu song vì niềm đam mê hội họa, họa sĩ Tạ Diệu Tâm, Tạ Diệu Hương vẫn tham gia dạy vẽ tại nhà ở TP.HCM. “Được truyền cảm hứng sáng tác cho học trò như là liệu pháp quên đi bệnh tật tuổi già”- họa sĩ Tạ Diệu Hương chia sẻ. Cùng với bà Nguyễn Thị Quế, người vợ tần tảo, hết lòng vì chồng con, ông nuôi dạy 7 người con phương trưởng. Gia đình ông là một gia đình nghệ sĩ hiếm có, ba con gái Tạ Diệu Tâm, Tạ Diệu Hương, Tạ Phương Thảo cùng các chàng rể: Phạm Đỗ Đồng, Hà Quang Phương (đã mất), Nguyễn Hoàng, Phạm Viết Hồng Lam đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam mà đồng nghiệp và công chúng đều biết đến. Nhiều cháu nội, ngoại… cũng theo con đường nghệ thuật của cha ông. Ông mất ngày 3/5/1998, đến năm 2001, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I.
Tác phẩm Buổi sớm trong đầm