Xem tranh Trần Phi Trường

Ngày đăng : 11:22:24 12-06-2019

Họa sĩ Trần Phi Trường sinh năm 1953, tính đến nay anh đã 65 tuổi; cái tuổi mà nhiều người tự cho mình quyền nghỉ ngơi, nhưng với Trần Phi Trường lại là thời kỳ sức sáng tạo và lao động nghệ thuật mạnh mẽ nhất.

Tháng 11 năm 2017 anh giới thiệu 20 tác phẩm tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài Hà Nội. Cùng kỳ năm nay anh lại gấp rút cho triển lãm cá nhân mới cũng tại 29 Hàng Bài với gần 20 tác phẩm sơn mài.

Trước một tác phẩm nghệ thuật, tất cả các tín hiệu thị giác đều có giá trị và tiếng nói riêng trong một cái chung tổng thể. Sẽ là khiếm khuyết khi chúng ta bỏ qua một trong số bất kỳ tín hiệu thị giác nào đó; Tuy vậy trong bài viết này tôi vẫn muốn dành nhiều thời gian hơn để giới thiệu về không gian trong tranh Trần Phi Trường.

Chúng ta đều biết, lịch sử phát triển nghệ thuật tạo hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đã để lại khá nhiều những nỗ lực sáng tạo, trong đó không gian như một bằng chứng khẳng định những mốc chuyển đổi tâm thức, trí tuệ thời đại.

Họa sĩ Trần Phi Trường

 

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 120x180cm

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu) Hà Nội, họa sĩ Trần Phi Trường có vốn hình họa và nắm bắt không gian thấu thị chắc chắn, vững vàng, để bước vào tìm tòi, sáng tạo cho những không gian mới.

Hóm hỉnh, thông minh và hài hước, Trần Phi Trường có cá tính mạnh mẽ, khỏe khoắn và cũng đầy trải nghiệm sống. Anh nghiên cứu nhiều về những chạm khắc đình làng, anh gần với chất hóm, khỏe, trải nghiệm và vui vẻ nhẹ nhõm của dân gian.

Anh từng là học trò của danh họa Nguyễn Sáng. Cái anh học được nhiều nhất ở người thầy của mình là sự triệt để trong sáng tạo nghệ thuật… những diêm dúa và ẻo lả làm duyên vụn vặt cần được vứt bỏ.

Anh coi danh họa Picasso là người thầy lớn của mình. Trong số những kiệt tác của Picasso, Trần Phi Trường thích Guernica, và chép đi chép lại nhiều lần, để hiểu cái tận cùng của sự phân tích và hợp nhất nó nguyên vẹn trong một dáng vẻ độc đáo nhất, khát khao hướng thiện nhất.

Giữa những bậc thầy lớn đó, anh tìm cho mình một hướng khai thác sáng tạo, tịnh tiến sáng dần theo tuổi tác và năm tháng trải nghiệm.

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 120x180cm

 

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 80x180cm

 

TRẦN PHI TRƯỜNG – Ký ức chợ quê. Sơn mài. 120x180cm

Kỹ thuật sơn mài của họa sĩ Trần Phi Trường từ căn bản chất liệu để hoàn toàn tùy biến. Nó đi theo mỗi bức tranh và không lặp lại như một ứng dụng quen thuộc. Nó được sáng tạo ra bằng bất cứ một cảm giác nào có lợi cho tổng thể… Bởi vậy, nó không ổn định, mà phiêu diêu cùng họa sĩ qua mỗi tác phẩm. Cũng chính điều đó mà nó không được anh coi như một thế mạnh để rồi lặp lại như nhiều họa sĩ khác tự tạo nên sự nhàm chán với chính mình. Với Trần Phi Trường, kỹ thuật được nương theo căn bản của chất liệu, nhuyễn vào, hòa cùng những vận động tổng thể bởi chiều hướng nét và không gian. Anh tránh được cái khéo mà nhiều người gặp phải khi vẽ sơn mài.

Màu sắc trong tranh Trần Phi Trường khá kiệm ước…Nó như nhường lại cho sự lên tiếng của nét và âm thầm làm người đứng sau, nâng đỡ cho những bay bổng, mach lạc, động rộn của nét. Những sắc trắng( bạc thiếc) có vẻ thô vụng vội vã nhưng chứa đựng nhiều cân nhắc rung động, bên mảng then với nhiều sắc độ từ ghi xám đến nguyên then, đối lập và hài hòa như âm dương hoán đổi thứ tự luân phiên. Bằng cách ấy đen( then), trắng bạc thiếc tuy nhường tiếng nói cho nét và đôi chỗ nhấn nhá mầu, mà lại trở nên sang trọng, bớt được sự ồn ào và không cần thiết cho nét được bay bổng dội lên nhiều cung bậc tình cảm và buông lơi… hòa vào đôi chỗ nhấn mầu vàng, son, lục hay những mảng then.

Nét trong tranh Trần Phi Trường khá nhiều, những nét then là chính, đôi chỗ anh cũng sử dụng nét màu, nhưng tất cả đều to bè thô ráp, rần rật rung động. Mau thưa thay đổi mật độ đủ tạo nên một sức sống chộn rộn mạnh mẽ. Cái thô kệch trở nên tinh tế khác thường, nhờ nhiều vào cách giải quyết không gian! Điều đặc biệt là những nét – hình của anh rất tùy biến ; anh hay sử dụng những nét vặn xoắn đổi chiều như hình số 8 trong không gian, nét hình ấy vừa giúp anh giải quyết về đối tượng, lại vừa có giá trị triết học đi cùng. Nó cùng mượn hình hài tự nhiên vốn đã được mặc định như : Người, sen, cá, chim, chuồn chuồn, rắn, âm và dương vật… nhưng tất cả chỉ là cái cớ cho cuộc chơi phiêu du đang diễn ra trong nội tâm sinh động và thoát khỏi ràng buộc “cố hữu”. Chính vậy mỗi tín hiệu của Trần Phi Trường đều không chết cứng bó hẹp, nó đa nghĩa, đa chiều và nhiều xúc cảm.

Hình trong tranh Trần Phi Trường khái lược không nhằm mô tả tiểu tiết hay dừng lại ở việc minh họa thần túy. Mở đầu bằng định danh nhưng kết quả lại là định tính. Bởi vậy nó thoát khỏi sự trói buộc định kiến để được tự do biểu đạt trực tiếp, đúng chất của ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Mỗi hình từ lớp nghĩa đầu đều ẩn giấu sự đa nghĩa. Từ đấu tranh sinh tồn, mâu thuẫn, hòa hợp, tục tữu, cao thượng… được phiêu đi để chuyển hóa chạm đến những vùng miền không thể tìm kiếm trong không gian vật chất chật hẹp. Các tín hiệu thị giác trút bỏ lớp vỏ áo, đi thẳng, đánh thức trực giác làm chúng ta như nhớ ra rất nhiều điều gì đó đã mất đi trong thời gian tiềm thức… đôi lúc gián đoạn của những giấc mơ. Những mùi, những vị, những thanh âm tiềm thức vu vơ ấy, giờ đây được nén trong một chiều kích trở nên cụ thể, khát khao và hướng thượng !

Không gian trong tranh Trần Phi Trường là điểm thú vị có giá trị cuốn theo nó tất cả các tín hiệu thị giác khác( tất nhiên nó được tạo nên từ tổng thể).

Không gian trong nghệ thuật tạo hình thiên về sự sắc sảo của trí tuệ. Không gian thấu thị là một đỉnh cao chuẩn mực của hội họa phương tây. Các họa sĩ hiện đại phần đa đều đáp ứng nghiên cứu căn bản về không gian thấu thị, nó có nhiều ưu điểm nhưng cũng đầy bó buộc và hạn chế. Việc phá bỏ nó (sau khi đã nghiên cứu rèn luyện) để tìm cho mình một không gian mới phù hợp với tâm thức riêng của cá nhân và rộng hơn là với tâm thức thời đại mới, là việc đòi hỏi một nỗ lực rất lớn mà không mấy nghệ sĩ đạt được.

Lẽ tất nhiên, với Trần Phi Trường, một cá tính nghệ sĩ mạnh mẽ, những xúc cảm của anh cũng muốn phá bỏ luật thấu thị hay một số không gian quen thuộc khác ; đang như sợi dây đưa cánh diều lên cao mà đồng thời vẫn đang liên tục khống chế nó.

Trước tranh Trần Phi Trường, chúng ta có thể nhận thấy đâu đó mạch nối với điêu khắc đình làng, Nguyễn Sáng, Picasso,…Nhưng chất dân gian gần hơn với Trần Phi Trường và cái tinh thần ấy lung linh với những gì rất riêng thuộc về Trần Phi Trường.

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 120x180cm

 

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 120x180cm

 

TRẦN PHI TRƯỜNG – Vô đề. Sơn mài. 120x180cm

Hẳn trong chúng ta, nhiều người có thể biết đến kỹ thuật đan nan truyền thống, qua những sản phẩm sáng tạo lao động của nhân dân trên những đồ đan. Từ cách đan «long mốt», đến lối đan bỏ lỗi phức tạp, để tạo nên sự bền chắc, tiện dụng và đẹp mắt cho từng sản phẩm. Nghệ thuật dân gian qua nhiều đời đã thừa kế và sáng tạo nên những kỹ thuật đan mới đa dạng, phức tạp nhưng giầu thẩm mỹ. Với kỹ thuật bỏ lỗi và lặp lại theo chu kỳ, thử soi vào không gian trong tranh Trần Phi Trường chúng ta sẽ nhận ra nhiều thú vị. Hãy coi mỗi hình ở đây như đang nằm gọn trong một nan đan, thì trong tranh có khá nhiều nan. Có nan chứa nhiều hình, nhiều nan hợp thành tuyến; Các nan và tuyến đan lồng vào nhau tạo ra các lớp không gian nông sâu với nhiều tầng bậc. Có khi nhiều nan cùng hiện ra trong một tầng sâu nhất định, cũng có khi một vài nan tách ra, hoặc che khuất, rồi bất ngờ bị nuốt chửng bởi những mảng then sâu thăm thẳm, nhưng đột ngột rẽ hướng và nổi bật lên, như con cá nhảy vọt, lộ thân giữa dòng nước và cũng rất nhanh chóng hòa vào dòng nước, với vô vàn những sợi bện đan vào nhau.

Nét – hình không thuần túy diễn ra theo hai phương dọc ngang, mà cùng lúc trải rộng đủ bốn phương tám hướng rất khó đoán định ; cùng lúc đồng hiện tất cả các chiều kích, chợt đến chợt đi, buông, bắt, đôi lúc cợt nhả và hài hước có ý giễu cợt vào sự đoán định, thiển tục, nhưng căn bản vẫn là những cảm xúc hướng đến nhiều niềm vui . Cái không gian đó thật khó gọi bằng tên, nhưng thật sự có lẽ đó mới là âm- dương, diễn tả được cuộc đời, xã hội và thời đại chúng ta đang diễn ra, với cùng lúc nhiều góc, nhiều nhóm, nhiều tầng bậc hay gì gì khác ! Nó cũng diễn tả được trong mỗi cá nhân chúng ta, cái đơn giản và phức tạp, cái đa cảm, đa sầu và đủ mối bận tâm… Nó gần với cuộc đời và đầy triết lý chứ không nặng nề triết học. Nó quyết liệt, ào ào, mạnh mẽ, khỏe khoắn rất Trần Phi Trường, mà lại tự nhiên và nhẹ nhàng với những triết lý của mình.

Tôi thực sự chúc mừng anh đã tìm ra cho mình một vùng miền mới thỏa mãn cuộc chơi, khẳng định cái riêng của mình nhưng nó lại chứa được cái nhịp thời đại. Nó được hình thành bằng cả chặng đường dày công lao động, sáng tạo, chiêm nghiệm và hết mình. Nó không bó hẹp trong vài ba tác phẩm, mà tôi tin, nó còn là một không gian đủ rộng, để anh tiếp tục đưa lại cho công chúng thêm nhiều tác phẩm độc đáo, trong chặng đường sáng tạo tiếp sau.

Có thể nói: Họa sĩ Trần Phi Trường đã góp vào ngôi nhà nghệ thuật Vệt Nam, một đóng góp quan trọng với một không gian rất riêng, có sự hướng thiện, sang trọng và khúc triết.

Phạm Huy Hùng

 
 
Tags: