Tìm hiểu 2 bức họa về ‘con trâu’, người bạn của nông dân thời xưa

Ngày đăng : 11:19:02 12-06-2019

Trong văn hóa phương Đông, con trâu luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người, giúp đỡ rất nhiều trong việc trồng trọt và vận chuyển. Chúng được coi là “người bạn tốt nhất của con người”. Thậm chí có nhiều người không ăn thịt bò hay thịt trâu như là một cách biết ơn. 

Dưới đây, chúng ta hãy tìm hiểu 2 bức họa của những họa sĩ ẩn danh thời Tống để tìm hiểu cuộc sống của một con vật đã từng rất gần gũi với người Việt Nam và Trung Hoa thời xưa.

Bức họa “Liễu Đường hô độc”

“Liễu Đường hô độc ” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Bức họa với khung hình bầu dục, trong hình có một người đàn ông, một con trâu và hai cây liễu. Họa gia lấy phương pháp tả thực tinh xảo, đem ba nhân vật hiện lên trên trang giấy, tương hỗ cùng nhau, đem thời không biến hóa cố định trong bức hình.

Bên góc dưới bức họa là một góc nhỏ bờ mương, trên mương là một bãi cỏ dại, đất hoang, hai cây liễu cành lá đan chen, rậm rạp. Dưới bóng liễu, một lão nhân đang khom người chống gậy, mệt mỏi thả trâu. Con trâu mẹ bị buộc bởi sợi dây thừng đang vẫy cái đuôi, như gắng sức vẫy trâu con đang chạy đằng xa.

“Liễu Đường hô độc ” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Khi người họa gia vẽ bức tranh, chủ thể chính là con trâu, họa gia mô tả hết sức rõ ràng, từng đường nét phập phồng trên thân con trâu. Hiện lên một thân thể khỏe mạnh, căng tròn đầy đặn, xương trâu cũng được lộ ra qua sự phác họa đậm nhạt. Con trâu cái dùng đuôi vẫy gọi trâu con (đã chạy mất bóng), đầu trâu mẹ hướng về phía lão nhân.

Trong bức họa, người lão nhân muốn dựa người vào gốc cây liễu, hai mắt khép hờ, xem ra đang muốn nhân cơ hội mà nghỉ ngơi một chút. Y phục của lão nhân cũng được khắc họa rất sinh động, trong cảnh hoang vắng, vạt áo tung bay trong gió.

“Liễu Đường hô độc ” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: blog.sina)

Nhìn vào hai cây liễu, một cây đứng thẳng, một cây lại chéo về phía bên phải. Các lá cây mọc rậm rạp thep từng nhánh dày, kết nối với nhau, tạo nên một vỏ bọc an toàn cho toàn bộ không gian. Các thân của cây liễu nằm xen kẽ cũng mang lại cảm giác trọng tâm và ổn định, cân bằng với con trâu ở bên phải bức hình.

Khi người họa gia phác họa thân cây, sử dụng đường cong vừa to vừa đen để mang lại sự xù xì cho thân cây. Khi vẽ các cành liễu, cây bút của họa sĩ đều đặn thể hiện các đường cong mượt mà và dẻo dai. Một khi gió thổi, những cành cây mỏng, dài trong gió đung đưa, va chạm nhẹ nhàng hay xoay tròn…

“Liễu Đường hô độc ” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: blog.sina)

Đối với lá liễu, cũng là hình ảnh chiếm gần nửa khung hình, cũng là trọng tâm của bức tranh này, mang lại một vẻ đẹp thanh lịch. Bên bờ ao và trên mặt đất, họa sĩ đã thêm nhiều lớp cỏ dày, phản ánh sự hoang vu của địa phương này.

Theo cách này, một thứ dường như im lặng trở nên có tiếng nói, một hơi ấm hòa tan, tự nhiên với thiên nhiên, nhẹ nhàng bay lượn cùng đất trời, lấp đầy toàn bộ không gian bức tranh.

Bức họa “Bình trù hô độc”

Vào mùa thu, ở trong một địa khu hoang vắng sinh trưởng rất nhiều những cây lau sậy và cỏ dại không rõ tên, một trâu mẹ và một nghé con, cũng không biết là chúng đang muốn về nhà hay muốn đổi chỗ ăn cỏ. Hai mẹ con trâu một trước một sau. Trước mặt đang nổi một trận gió lớn, con đường nhấp nhô theo những mỏm đá. Nghé con chân ngắn, lúc nào cũng đi đằng sau mẹ, trâu mẹ đi trước, quay đầu về sau nhìn con, chờ con. Nghé con dường như không cam lòng rời khỏi khu đất.

“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: maihuago)

Người họa gia ẩn danh chắc hẳn phải tập vẽ trâu rất nhiều lần trước khi vẽ bức họa này. Ngoài việc nghiên cứu hình dạng cơ thể của con trâu, họa gia còn quan sát tỷ lệ của các bộ phận khác nhau của cơ thể và cấu trúc cơ xương. Ở trạng thái nào, loại chuyển động và biểu hiện nào sẽ xuất hiện, những thay đổi sẽ xảy ra trong hình dạng cơ thể từ các góc độ khác nhau. Vì vậy, họa gia đã vẽ con trâu mẹ quay đầu, nhấc chân trước, khiến bức tranh thực sự rất sống động.

Khi họa gia suy nghĩ về bức tranh, ông có thể muốn mô tả trạng thái tâm lý của con trâu và nhân hóa chúng. Ông để hai chân của hai con trâu rất thú vị, trâu mẹ đang hướng về phía trước tức phía bên trái hình, nghé con với hai chân lại như đang lùi về phía sau. Dường như mỗi chúng có ý kiến riêng của mình, đều yêu cầu bên kia lắng nghe. 

“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Là một người mẹ, luôn luôn trong trạng thái dạy dỗ con cái. Trong vô thức, các cử chỉ như ở trạng thái chỉ huy, ra lệnh. Trâu mẹ vẫy bàn chân trước như muốn nói rằng: “Thôi nào, đi nhanh, nhanh lên đi!” Tuy nhiên, nghé con dùng sức giãy dụa thân thể, cũng nhấc một chân trước và vung nó về phía sau. Dường như đang nói: “Hãy chậm lại, đợi con đi!”

“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)
“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Nơi mẹ và con trâu đang đứng là một bãi đá vững chắc. Đây là một khu vực tương đối bằng phẳng. Nó trông giống như một sân khấu, cho phép hai mẹ con diễn giải câu chuyện. Đằng sau có một số khối đá lớn nhô lên. Các mặt của các khối này bị xói mòn do gió hay do nước. Các khối đá này được xếp chồng lên nhau. Dường như bề mặt xói mòn đã được chạm khắc bằng bút mực cẩn thận, âm thầm rút lui đằng sau cặp gia súc năng động, tạo thành một tấm bình phong giống như bối cảnh.

“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Đi kèm với những khối đá rắn này là một số loại cỏ lau có màu hơi vàng do tới mùa thu, có cây có gai, có cây nhỏ và thấp v.v. Những chiếc lá mảnh khảnh của cỏ lau được đan xen một cách có trật tự. Những nét bút tròn làm cho cỏ lau sậy có vẻ thưa thớt, mềm mại.

“Bình trù hô độc” – ẩn danh, nhà Tống (Ảnh: epochtimes)

Cuối cùng, họa gia đem uốn cong một góc nhỏ của bờ sông nhấp nhô, làm cho toàn bộ bối cảnh hình ảnh trở nên hoàn hảo và đa dạng hơn. Nhân vật chính trong bức tranh – hai mẹ con trâu, cũng như thực vật, khối đá, v.v., tất cả đều ở vị trí riêng theo thuộc tính riêng của chúng, như thể nói với chúng ta rằng tạo hóa đã an bài tất cả những điều này.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch 

Tags: