Vải – ghép – vải trong tranh của Huyền

Ngày đăng : 11:13:54 12-06-2019

Từ điển Wikipedia có viết “Quilting là quá trình may hai hoặc nhiều lớp vải lại với nhau…sử dụng kim và sợi để ghép hai hoặc nhiều lớp vật liệu”.  Không rõ “quilting” có lịch sử từ khi nào nhưng theo ước đoán nó đã có từ vài thiên niên kỷ.

Trên thế giới “quilting” rất phổ biến trong trang trí may vá và nội thất. Trên nền truyền thống cơ bản là sử dụng những miếng ghép nhiều màu sau đó khâu hoặc may chúng lại với nhau.

Hiện nay, phương pháp tạo hình ghép vải nhiều lớp với nhau được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thời trang. Những thương hiệu thời trang danh tiếng như Louis Vuitton, Chanel, DC… đều dùng “quilting” như là một phần tất nhiên của phương thức thiết kế. Ở Việt Nam, các câu lạc bộ yêu thích cắt ghép vải trong thời trang, đồ gia dụng nội thất như đệm, gối, màn cửa…rất phổ biến. Nhưng với các tác phẩm mỹ thuật mang tính tạo hình cao, thành một bức tranh độc lập có tiếng nói riêng trong mỹ thuật thì chưa mấy họa sĩ làm được.

Kể từ những bức tranh ghép vải của họa sĩ Trần Thanh Thục ra đời (thập niên 1970) với tư thế một tác phẩm hội họa thực thụ có chủ đề phong phú như phong cảnh, chân dung, tĩnh vật… lúc ấy mọi người mới nhận ra các miếng vải vụn tưởng như bỏ đi ấy lại có sự kỳ diệu về thị giác khi được sắp xếp bên nhau một cách hợp lý. Các mảng màu với bột màu, sơn dầu hay màu nước giờ đây được thay bằng những miếng vải có sẵn màu, hoa văn, họa tiết. Chất liệu vải cũng phong phú tạo chất, tạo khối khá tốt. Khi tranh đem triển lãm chung với các chất liệu khác đã được ghi nhận là một chất liệu tạo hình độc lập mới.

Tiếp sau đó, tranh ghép vải được một số nữ họa sĩ yêu thích học tập, tìm tòi và sáng tạo như Kim Dung, Thanh Hà, Nguyễn Thu Huyền…Trong số đó Huyền là người trẻ tuổi nhất nhưng cô đã có những hướng đi mới cả về chất liệu và tạo hình tạo nên một con đường sáng tạo nghệ thuật của riêng mình.

Nguyễn Thu Huyền sinh năm 1988 tại Hưng Yên, Cử nhân chuyên ngành Thiết kế Thời trang, khoa tạo dáng Công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2011. Tốt nghiệp Thạc sỹ Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2014. Hiện đang có một trung tâm Nghệ thuật dành cho trẻ em và sáng tác tự do. Có thể thấy sự hữu duyên giữa hai ngành học của Huyền là thời trang và tạo hình đã đưa cô tới những phát triển về tạo hình.

Huyền là một cô gái có vẻ ngoài dịu dàng, xinh đẹp, cách thức giao tiếp nhã nhặn, cầu thị rất dễ chịu. Cũng do hai ngành đã học mà cô chọn cho mình chất liệu ít người sử dụng. Chính vì vậy chưa có nhiều người biết tới…

Khó khăn đầu tiên phải kể tới chỗ đứng của tranh ghép vải. Ít người sáng tác vì nó cần sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo, tốn kém thời gian nhưng vẫn bị lép vế trước các chất liệu quen thuộc khác. Hơn thế nữa, thị trường cho tranh ghép vải vẫn chưa định hướng được đối tượng. Nghệ thuật cũng cần phải có thị trường, có người mua và thưởng lãm…mới kích thích được sáng tác.

Hiện nay, Thu Huyền đã khai phá tranh ghép vải ở một hướng đi mới cả về chất liệu lẫn tạo hình. Cô tìm tòi, sáng tạo và sử dụng chất liệu như một ưu thế về sự kỳ công. Để đi một nét với các chất liệu khác là một điều quá đơn giản với một nét bút lông. Nhưng chỉ cần một nét tạo hình khuôn mặt trong tranh ghép vải của cô phải đi bằng những sợi chỉ…thì chúng ta thử nghĩ xem phải khéo léo và tỉ mỉ tới như thế nào?

Không những thế, nếu trước đây quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc hoa văn chất liệu sao cho hợp lý thì Huyền lại làm khác, khác hẳn. Cô tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Cô chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình. Không hề phụ thuộc vào mẫu hình có sẵn trên miếng vải. Cầu kỳ nhưng không phải thêu. Riêng biệt nhưng không phải vẽ. Nếu bút lông là phương tiện, màu là chất liệu thì với Huyền kim là bút lông; chỉ, vải là chất liệu. Huyền nói cô có thể tạo hình với bất cứ chủ đề nào. Từ đơn giản đến phức tạp. Chỉ có là mất công nhiều hay mất công rất nhiều mà thôi.

Bài toán hiện nay Huyền phải giải quyết chính ở tạo hình. Đây có lẽ là mấu chốt đưa tác phẩm thành công và thành công ở mức độ nào đều phụ thuộc vào tạo hình.

Các chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt gia đình cô đều mạnh dạn thể hiện. Tạo hình không thiên về tả thực, cũng không quá thiên về khối, chúng mạnh ở sự hài hòa, hợp lý giàu nhịp điệu với những gam màu pastel nhẹ nhàng, tình cảm, nữ tính. Thế mạnh của Huyền hiện nay là cô sử dụng linh hoạt các mảng màu. Chúng đẹp, lạ hơn bất cứ một loại chất liệu màu nào. Huyền là người có ý thức về tư duy tạo hình, về màu, cô miệt mài sáng tác, chăm chỉ học hỏi nên bước đầu cô đã thành công trong việc tạo một kiểu thức tạo hình mới cho tranh ghép vải…không thua kém một chất liệu nào.

Huyền nhiệt tâm yêu nghề, say nghề, chịu khó làm việc tìm tòi và sáng tạo. Cô như con ong chăm chỉ hút nhụy tạo mật cho đời. Việc cô hiện nay là nâng tạo hình cho những miếng vải ghép ấy trên tranh ấy lên một tầm mới để chúng có đời sống và tiếng nói riêng biệt hơn nữa về chất. Chắc chắn khi đó những bức trảnh “vải ghép vải” của cô sẽ được đón nhận yêu thích và rộng rãi.

“Siêng năng, kiên trì làm gì cũng thắng” là lời nói dành tặng Nguyễn Thu Huyền, cô gái chăm chỉ và cầu thị này…

Thiên Minh

Một số tác phẩm tranh ghép vải của Nguyễn Thu Huyền trong triển lãm:

Tác phẩm “Yên bình”

 

Tác phẩm “Đóa hoa vô thường”

 

Tác phẩm “Phố không mùa”

 

Tác phẩm “Xúc cảm”

 

Tác phẩm “Những cô gái của mùa xuân”

 

Tác phẩm “Sắc”

 

Tác phẩm “Khát vọng”

 

Tác phẩm “Hạnh phúc”

 

Tác phẩm “Đưa con đi khắp thế gian”

 

Tags: