Mai Trung Thứ đã để lại một tài sản tinh thần vô giá với những bức tranh nhẹ như gió thoảng của những Nụ hôn, Hạnh phúc, Trường thọ, Trừu mến…Chỉ cần điểm qua những tên gọi tác phẩm đã thấy bảng lảng đâu đó một Mai Trung Thứ yêu đời - lãng tử trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại Việt Nam
Đôi nét về tiểu sử
Mai Trung Thứ sinh năm 1906, quê ở làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Ông nội là Mai Trung Quế, tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền tri phủ phủ Điện Biên, tỉnh Sơn La (cũ) được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự Sử. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh, được gia phong tước Thái tử Thiếu bảo Đông Các Đại học sĩ, Văn Tân Nam và chính quyền Pháp phong tước hiệu Nam tước (Baron).
Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện... Đây là trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương do Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, Tardieu là một nghệ sĩ đồng thời là một nhà sư phạm giỏi, một trí thức Pháp tiến bộ.
Trong những năm theo học, lúc đầu
Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, về sau ông chuyển sang vẽ tranh lụa, chất liệu tranh đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh của
Mai Trung Thứ nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này.
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương,
Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại nơi đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông đã nở rộ. Hàng loạt các tác phẩm lụa của ông ra đời mà nhân vật trong tác phẩm của ông là những cô gái Huế dịu dàng, những khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Trong thập niên 1930, cùng với một số hoạ sĩ khác,
Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937) và ở Pháp nơi ông đến định cư sau này. Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936,
Mai Trung Thứ quyết định ở lại sống và hoạt động nghệ thuật tại thành phố được ví như kinh đô ánh sáng, nơi hội tụ các danh họa bậc thầy của thế giới lúc đó. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chủ yếu vẽ bằng ký ức về đề tài các cô thiếu nữ, các trẻ em Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài...
Năm 1974,
Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trong đó có nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông) theo lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi đó.
Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Thi hài của ông được an táng dưới chân một ngọn núi cách thủ đô Pháp không xa.
Chân dung họa sĩ Mai Trung Thứ
Trong suốt cuộc đời sáng tạo của
Mai Trung Thứ, nổi bật hai giai đoạn: Những tác phẩm cổ điển sáng tác tại VN những năm 30 và những tác phẩm ra đời từ kinh đô ánh sáng ấn tượng – Paris, nhưng đều nhất quán về chủ đề thiếu nữ. Kết thân với Lê Phổ nhưng khuynh hướng nghệ thuật của hai ông khác nhau. Lê Phổ đường bệ, quý phái, đài các, còn
Mai Thứ lãng mạn, yêu kiều, bay bướm. Ông đã tạo một diện mạo riêng khác với Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc - những họa sĩ đều đắm chìm mô tả thiếu nữ thanh tân Hà Nội những năm 30. Năm 1936, cả ba ông đều tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Khuyến khích Mỹ thuật kỹ nghệ SADEAL tổ chức, cả ba đều thể hiện cô gái Hà Nội tân thời, mặc áo lemur-cát tường, rẽ ngôi lệch, vấn tóc trần. Mẫu hình “áo ngắn, người cứng” quyến rũ bút pháp
Mai Thứ, thêm vào đó là đôi mắt mơ mộng, huyền ảo quyến rũ khách si tình.
Một số tác phẩm của ông
Mai Trung Thứ được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời ông. Đề tài yêu thích của ông là về
phụ nữ,
trẻ em và
cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ông đã đặt vào mảnh lụa những hòa sắc lung linh huyền ảo của chủ nghĩa ấn tượng nhưng lại tránh sa vào thái độ duy lý thẩm mỹ của chủ nghĩa này. Những cuộc trưng bày các tác phẩm của ông tại nhiều triển lãm trên thế giới đã góp phần giúp hội họa hiện đại Việt Nam được biết đến nhiều hơn tại phương Tây, trung tâm hình thành nên các trào lưu nghệ thuật trong lịch sử nhân loại.
1. Chủ để về phụ nữ
Thiếu phụ - Tranh sơn dầu (1930) của Mai Trung Thứ
Tranh thiếu nữ của
Mai Thứ gợi nhớ một nét đẹp ẻo lả, duyên dáng, thùy mỵ với hình dáng mảnh mai, thon thả, yêu kiều, đặc biệt là đôi mắt. Ông diễn tả đôi mắt thiếu nữ mà nhiều người vẫn coi là cửa sổ tâm hồn thật đa sầu, đa cảm, ướt át. Nhân vật trong tranh của ông đều có đôi mắt buồn vô cớ, tư lự mà những ai đã một lần xem
tranh thiếu nữ của ông sẽ mãi mãi nhớ nhung.
Chủ đề
Phụ nữ dưới con mắt của
Mai Thứ triển lãm năm 1967 là chủ đề ông quan tâm ngay từ những ngày ở trên ghế nhà trường mỹ thuật, chỉ có điều ở Pháp chủ đề
phụ nữ với đôi mắt mộng mơ, huyền ảo đã lui vào dĩ vãng, nhưng ta vẫn tìm thấy bóng dáng người
phụ nữ yêu kiều mảnh dẻ rất VN ở những tranh lụa Nữ nhạc công thổi sáo, Trừu mến, Tắm, Cô gái bưng tách trà, Trang điểm, Người đàn bà bên gối đỏ, Yên lặng, Thiếu nữ với hoa hồng.
Ảnh hưởng khuynh hướng Tân cổ điển bảo tồn đến cùng hình họa,
Mai Trung Thứ đã dành trọn quãng đời bình yên nhất trong cuộc đời mình để thỏa sức sáng tạo những nét vẽ thiếu nữ một đi không trở lại. Những nét vẽ không cầu kỳ, tôn giáo, không khoa trương da thịt mà từ tốn ẩn náu một tâm hồn thanh đạm, lãng mạn, mong manh như đồ sứ dễ vỡ.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân - người sau này đã để lại cho đời bao
bức tranh thiếu nữ tuyệt vời đã nhận xét tranh của
Mai Thứ: “... Bức Thiếu nữ ngồi hai mắt ươn ướt như sắp khóc của
Mai Trung Thứ đã cuốn hút người xem”. Một họa sĩ đương thời là Trần Văn Cẩn cũng tâm đắc: “Không ai vẽ thiếu nữ có đôi mắt đẹp và trong như dòng sông Hương tài bằng
Mai Trung Thứ qua tác phẩm vẽ lụa Cô gái có tang (1935) buồn bã, âm thầm”. Thật vậy,
Mai Trung Thứ đã lược bỏ mọi chi tiết để dành chút đường nét hiếm hoi diễn tả đôi mắt thật ướt át, âu sầu, mơ mộng trên nét mặt thiếu nữ yêu kiều, hiền dịu.
2. Chủ để trẻ em
3. Cuộc sống hàng ngày
Dù hơn nửa đời người sống xa Việt Nam nhưng Mai Trung Thứ đã làm hết sức mình những gì có thể cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật tại quê nhà.