huyết trình tại Kolkata (Ấn Độ) ngày 11/12/2013*
Nguyễn Đình Đăng
Thưa quý vị,
Cho phép tôi cảm ơn GS Bijay Agrawal đã có nhã ý mời tôi tới thăm viện của các quý vị.
Tham dự hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân tại Mumbai tuần trước, tôi rất ấn tượng bởi nhiều báo cáo xuất sắc về vật lý hạt nhân thực nghiệm và được gặp nhiều sinh viên trẻ của Ấn Độ tham gia nghiên cứu cấu trúc hạt nhân năng lượng thấp. Mặt khác, TS Vivek Datar thuộc Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC [1]) lại cho tôi biết rằng “các nhà vật lý lý thuyết hạt nhân thuộc loài có nguy cơ tuyệt chủng tại đây”. Trong khi đó ở Nhật Bản, chúng tôi có nhiều nhà vật lý lý thuyết xuất sắc nghiên cứu nhiều đề tài khác nhau, song các thực nghiệm tại viện RIKEN, nơi tôi hiện đang làm việc, lại chỉ tập trung chủ yếu vào các hạt nhân không bền vững và tổng hợp các nguyên tố siêu nặng. Vì thế tôi muốn hòa quện các hoạt động của chúng tôi trong một dự án hợp tác với nhóm của GS Bijay Agrawal tại SINP [2], cũng như với các nhà nghiên cứu hạt nhân thực nghiệm tại BARC và VECC [3].
Nhưng hôm nay, tôi muốn nói về một sự hòa quện khác, đó là hòa quện giữa Đông và Tây trong nghệ thuật, cụ thể là trong hội hoạ của tôi.
Trong bức tranh “Biến thái” được in trên poster thông báo thuyết trình hôm nay, quý vị thấy một cô gái Nhật Bản mặc kimono đang chơi piano trong căn phòng trải chiếu tatami có cửa kéo. Cô gái ngồi trên một ổ bánh mì Ý. Pho-mat và prosciutto Ý (đùi lợn ướp muối) được gắn vào hai đầu cây piano. Sự thoát xác của nước Nhật từ một chính thể độc tài quân phiệt để trở thành một cường quốc dân chủ bậc nhất châu Á, nơi Đông và Tây giao thoa mãnh liệt, phải chăng cũng giống như sự biến thái của ấu trùng từ kén thành con bướm lộng lẫy kia?
Nhưng tôi sẽ không cắt nghĩa cho quý vị về các bức tranh của tôi, một điều tôi không thể làm được, đơn giản là vì nghệ thuật, cũng như tình yêu, là thứ không giảng giải được bằng lý lẽ mà chỉ có thể cảm nhận được bằng tâm hồn.
Như nhà tư tưởng vĩ đại xứ Bengali Rabindranath Tagore từng nói: “Trong nghệ thuật nghệ sĩ bộc lộ bản thân mình, chứ không phải các vật thể hay đối tượng khác”, buổi thuyết trình về hội hoạ của tôi hôm nay thực chất cũng là nói về bản thân tôi. Vì thế tôi mong quý vị ráng chịu cùng tôi phần đó.
Khi tôi còn nhỏ, một người bạn của gia đình tôi, đồng thời là một nhà Việt Nam học có tiếng, thường trích dẫn Rudyard Kipling: “Oh, East is East and West is West, and never the twain shall meet” (Ôi, Đông là Đông, Tây là Tây, và hai xứ này sẽ chẳng bao giờ gặp nhau) mỗi khi ông muốn thuyết phục tôi rằng cần phải bám vảo bản sắc dân tộc thì mới có thể tạo nên cái gì đó có giá trị trong nghệ thuật. Ông lý luận rằng không thể chạy đua với hội hoạ phương Tây, vốn có truyền thống hàng thế kỷ. Trực giác đã xui tôi bất đồng với ông, xong khi đó tôi còn quá bé để có thể lên tiếng phản bác.
Lớn lên, tôi phát hiện ra hai điều. Điều thứ nhất: “Các cuộc thi là thứ dành cho những con ngựa chứ không phải cho các nghệ sĩ”, như nhà soạn nhạc lừng danh người Hungary Belá Bartok từng nói. Điều thứ hai: Câu trích dẫn Kipling chỉ là dòng đầu tiên trong 4 câu thơ mở đầu và kết thúc bản “Trường ca Đông và Tây“ năm 1889 của Kipling:
Oh, East is East and West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgment Seat;
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, though they come from the ends of the earth!
Tạm dịch nghĩa:
Ôi, Đông là Đông, Tây là Tây, và hai xứ này sẽ chẳng bao giờ gặp nhau,
Cho tới khi Đất và Trời cùng hiện trước phiên phán xử vĩ đại của Chúa;
Nhưng chẳng có Đông cũng như Tây, chẳng có biên giới, chủng tộc, cũng như dòng dõi,
Một khi hai người hùng đối mặt, cho dù họ đến từ hai đầu của Trái Đất.
Bằng 4 câu thơ này và câu chuyện trong bản trường ca, Kipling muốn chúng ta hiểu rằng, cho dù không thể xê dịch được các ví trí địa dư, một khi hai con người ngang tầm gặp nhau thì mọi yếu tố tình cờ về chủng tộc, nơi sinh, xuất xứ, quốc gia đều không còn ý nghĩa, mọi người Á và Âu đều bình đẳng. Tiếc thay, câu thơ đầu tiên thường bị trích dẫn cắt khỏi văn cảnh, khiến Kipling bị hiểu sai hoàn toàn.
Đông và Tây còn có thể gặp nhau trong mỗi chúng ta.
Như quý vị có lẽ đã biết, Ấn Độ và Việt Nam có một giai đoạn lịch sử giống nhau: cả hai nước đều từng là thuộc địa của phương Tây, Ấn Độ là thuộc địa của Anh, Việt Nam – thuộc địa của Pháp. Năm 1858, khi British Raj được chính thức thiết lập tại Ấn Độ, cũng là năm hạm đội của liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Tourane (Đà Nẵng), mở đầu cho cuộc viễn chinh Cochinchina xâm chiếm Việt Nam. Sau gần một thế kỷ thuộc địa, văn hoá Pháp đã thâm nhập và pha trộn vào truyền thống Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố, như Hà Nội nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Sau này, những năm học đại học và sự nghiệp nghiên cứu vật lý đã khiến tôi trải qua hơn nửa đời tại ngoại quốc. Kết quả là các yếu tố phương Đông và phương Tây đã từ từ thấm vào nghệ thuật của tôi để tạo nên một lối tự biểu hiện.
Bức tam bình này là lý lịch tự thuật của tôi. Bức ở giữa có tên “Đại dương mùa đông” hàm ý tình yêu của cha mẹ tôi đối với tôi cũng mênh mông sâu nặng và ấm áp đầy năng lượng như đại dương mùa đông. Ở giữa bức tranh là người cha quá cố của tôi đang được mẹ tôi cho ăn chuối. Về cuối đời ông bị tai biến mạch máu não, không đi lại được, và tay bị liệt. Ở phần nền là quá khứ của họ – hình ảnh cha mẹ tôi thời còn là sinh viên du học tại Paris.
Bức trái có tên “Nhật thực” vẽ vợ tôi đang bế con trai 6 tháng tuổi của chúng tôi. Sự ra đời của con trai tôi trong gia đình chúng tôi tựa như hiện tượng nhật thực báo trước những thay đổi trong thiên nhiên với nhiều kỳ vọng rồi thất vọng. Tại góc dưới bên trái, tôi vẽ một nữ nhạc công Việt Nam đang chơi tỳ bà và tại góc phải, một nhạc công Florentine trong trang phục thời Phục Hưng đang chơi đàn lute, như một sự hoà hợp giữa Đông và Tây. Họ tựa như các thiên thần hát ca bên Chúa Hài Đồng.
Bức phải có tên “Thơ ngây”, vẽ con trai tôi khi học cao học (cấp 3 phổ thông) đang cùng cô bạn gái đầu tiên của mình nghịch mobile phone. Phía dưới bức tranh tôi vẽ một quả lựu. Trong văn hoá phương Tây trái lựu nhiều hạt là biểu tượng của khổ đau, trong khi đó tại phương Đông trái lựu lại tượng trưng cho phú quý, con đàn cháu đống. Tại Trung Hoa ngày xưa người ta tặng cô dâu chú rể trái lựu để cầu mong cho họ sinh lắm con. Trái lựu của tôi chưa vỡ, nên còn chưa rõ tương lai lũ trẻ sẽ là khổ đau hay phú quý.
Cha mẹ tôi là những người Tây học, nhờ đó ngay từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với văn chương, nghệ thuật và âm nhạc phương Tây.
Sinh thời, cha tôi, một thầy giáo dạy toán cấp 3 phổ thông, thường cho tôi xem phiên bản ký hoạ và tranh của Leonardo da Vinci mỗi khi ông giảng giải cho tôi thế nào là cái đẹp. Ông còn vẽ rất giỏi mặc dù chưa bao giờ là hoạ sĩ. Ông thường dùng phấn vẽ hình Heracles đánh sư tử Nemean và các đề tài từ thần thoại Hy Lạp lên tấm bảng đen lớn treo trên tường nhà tôi.
Tôi bắt đầu vẽ từ khi lên 4 tuổi. Cha mẹ tôi kể lại rằng tôi thường vẽ trên bảng đen, trên giấy hoặc sân nhà hàng giờ không chán. Lớn hơn một chút, tôi được cha mẹ cho tôi tới các câu lạc bộ, trường nghệ thuật để học cách cầm bút chì, bút lông, quệt màu. Tôi không chắc tôi đã học được gì nhiều về vẽ tại đó.
Tôi cũng được học piano, nhạc cụ mà cho tới bây giờ tôi vẫn chơi, và càng ngày càng say mê hơn.
Vậy là quy ước về cái đẹp và hài hòa đầu tiên mà tôi được biết là quy ước của nghệ thuật phương Tây.
Cũng từ cuốn bách khoa toàn thư Petit Larousse của cha tôi mà tôi lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng Nataraja mô tả thần Shiva của Ấn Độ đang trình diễn điệu múa sinh hủy vũ trụ.
Trong hình dưới, tôi đang chơi cây đàn grand piano Fazioli – loại dài và đắt tiền nhất thế giới – trong buổi khai mạc triển lãm cá nhân “Opus số 7” của mình tại Fazioli Piano Showroom & Art Gallery ở Tokyo năm 2010. Còn đây là tiếng đàn của tôi (thu trong buổi hòa nhạc tại RIKEN, chơi nocturne Op. 55 số 2 của Chopin trên đàn hiệu Diapason của hãng Kawai)
Bây giờ thì quý vị đã có thể hiểu vì sao tôi thích đề tài âm nhạc và piano.
Trong bức “Piano câm” (The silent piano) tôi vẽ một người trùm khăn trắng, đeo tai nghe đang chơi Gran’Touch piano – một phát minh của hãng Yamaha, có bộ phím và búa giống như acoustic grand piano, nhưng âm thanh kỹ thuật số, có tai nghe để khỏi làm ồn hàng xóm. Người chơi silent piano dường như không nghe thấy tiếng đoàn tàu đang lao tới. Sau lưng pianist một miệng hố mở sẵn đang chờ…
Bức “Allegro con fuoco” lấy cảm hứng từ etude “Cách mạng” của Chopin:
Còn bức “Clair de lune” (Ánh trăng) lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà soạn nhạc Claude Debussy. Ở đây quý vị lại thấy Đông và Tây kết hợp qua hình ảnh các bát nhang xếp chồng lên nhau phía chân trời cùng với tượng Chúa Jesus.
Trong bức “Tiếng vọng thời gian”, nước từ đại dương tràn vào cây đàn grand piano, chảy ra thành các lát prosciutto, rơi xuống đĩa, còn cây đàn được chống bằng một ổ bánh mì baguette của Pháp. Phần tường sát mái của khung nhà phía trên cây đàn còn in hằn các vết đạn. Đó là một giáo đường bị tàn phá trong trận giao tranh tại thành cổ Quảng Trị.
Trong bức “Buổi học piano”, tôi vẽ pianist cháy như bó đuốc, trước một hình nhân khoác áo nhà sư có đầu nom như da bọc gỗ, đeo mặt nạ, bàn tay như vó ngựa, đứng bên một mỏ neo han rỉ, nằm lăn lóc trong đống dây thừng cạnh một bản thảo bị đốt cháy, gần một bức tường có chôn một xác ướp. Ở phần bên trái, trên bức tường, treo lủng lẳng một máy đếm nhịp như người bị treo cổ dưới một đoạn xà gỗ.
Ở lớp sau của bức “Lối ra” – chân dung cô giáo piano của con trai tôi và cả tôi, trước khi cô đi lấy chồng – tôi vẽ áo cô dâu kéo theo cây đàn piano như một câu tự hỏi liệu sau khi lấy chồng cô có còn say sưa với nghề, có còn tha thiết với dạy piano như trước. Ở lớp trước, cô giáo mặc bộ áo váy biểu diễn, ngồi trên lá sen, biểu tượng của sự cao quý và tao nhã. Với bức tranh này tôi đã đoạt giải thưởng của quỹ mỹ thuật Sompo Japan năm 2007 và được mời tham dự triển lãm “Các hoạ sĩ xuất sắc đang nổi lên” lần thứ 28, tổ chức vào năm 2009 tại bảo tàng mỹ thuật Seiji Togo, trên tầng 42 của tòa nhà Sompo Japan, nơi có bày bức hoạ hoa hướng dương của danh hoạ Vincent Van Gogh mà hãng bảo hiểm Sompo Japan đã mua năm 1987 với giá 50 triệu USD.
Năm tôi lên 6 tuổi, Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Vì thế chúng tôi phải đi sơ tán về nông thôn tránh bom. Việc học tập tuy không bị gián đoạn, song cuộc sống thời chiến tranh rất khó khăn. Không có điện, không có thịt. Đến gạo ăn cũng không đủ, phải độn thêm bột mì, có lúc tới 60%. Mơ ước của tôi thời đó là có một cây bút chì 6B để vẽ.
Bức tranh “Những con châu châu voi khổng lồ bị quên lãng” là một trong những ký ức về thời sơ tán gian khó đó. Thực ra đó là câu chuyện của vợ tôi. Thời chiến tranh chống Mỹ, vợ tôi là một cô bé phải xa cha mẹ, sơ tán theo trại trẻ, hàng ngày phải tới trường qua một quãng đường dài, xuyên qua rừng bạch đàn mọc trên đồi. Bám trên thân các cây bạch đàn là những con châu chấu voi khổng lồ im lìm dưới bóng lá cây. Đâu đó trên đỉnh đồi có một tảng đá lớn in một vết chân khổng lồ. Đôi khi cô bé một mình tha thẩn, nằm vào trong lòng vết chân, không biết ngày mai ra sao. Có lần đơn vị công binh của cha cô bé đóng quân gần trại trẻ. Cha cô và các chiến sĩ tới thăm trại, nhưng không được bộc lộ tình cảm đặc biệt nào với con gái mình, vì là cuộc thăm chung. Cô bé đứng trong hàng, nhìn thấy cha, nhưng không dám chạy ra ôm. Chiếc xe tải trong tranh giống chiếc xe cha cô đã dùng để tới thăm trại trẻ.
Khi tôi học cấp ba phổ thông, chính thầy giáo dạy cello là người đã nói với tôi rằng, để phát triển khả năng của mình, cách duy nhất là đi du học ở ngoại quốc.
Tại kỳ thi vào đại học, tôi nằm trong số các thí sinh đạt điểm cao nhất nước, vì thế đoạt học bổng của nhà nước sang học vật lý tại Đại học Quốc gia Moskva vào mùa thu 1976.
Đối với tôi, Moskva là một trường học lớn không chỉ trong khoa học tự nhiên mà còn cả trong nghệ thuật. Tại đây lần đầu tiên tôi đã được chiêm ngưỡng các kiệt tác nguyên bản của các đại danh hoạ từ Phục Hưng, Baroque, tới cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, và hiện đại tại hai bảo tàng trứ danh là Hermitage ở Saint Petersburg (thời đó có tên Leningrad) và Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin tại Moskva. Hoạ phẩm thời đó cũng rất sẵn và rẻ ngay cả đối với học bổng sinh viên. Tôi dành phần lớn thời gian nghỉ hè và nghỉ đông để vẽ tranh. Dưới đây là vài bức ký hoạ tôi vẽ khi còn ở Nga.
Từ Nga quay về Việt Nam, và sau này, tôi vẫn tiếp tục ký hoạ. Dưới đây là 3 bức ký hoạ 3 người nổi tiếng tại Việt Nam: cố danh hoạ Bùi Xuân Phái – nổi danh vì những bức tranh phố Hà Nội méo mó, song cả cuộc đời chỉ được triển lãm cá nhân đúng một lần; cố danh hoạ Mai Văn Hiến – người đã vẽ đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, được giải thưởng Nhà nước, nhưng suốt đời sống trong một căn phòng chật hẹp, vừa dùng làm chỗ ăn ngủ, vừa là xưởng vẽ; và cố thi sĩ Trần Dần – người đã bị chính quyền Việt Nam đầy đọa trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956.
Trong năm 2001 – 2003, tôi đã vẽ hơn 100 ký hoạ mẫu khỏa thân tại Tokyo.
Lúc mới bắt đầu sự nghiệp hội hoạ, tôi thường vẽ trực tiếp từ mẫu thật và phong cảnh tự nhiên. Nghề vật lý cho tôi cơ hội sống tại nhiều nước, trải nghiệm nhiều truyền thống và văn hóa, trong đó có 11 năm sống tại Nga, và 19 năm tại Nhật Bản. Những gì tôi chứng kiến và hấp thu dần dần lắng đọng trong trí tưởng tượng để rồi được tái hiện trong các bức tranh của tôi.
Những bức tranh hôm nay tôi cho quý vị xem đều được vẽ theo phong cách tôi khởi đầu vào năm 1986. Bức tranh đầu tiên tôi vẽ theo phong cách này là bức “Sự xuất hiện của hình tượng trên hoang mạc”.
Kể từ đó tôi hầu như không vẽ trực tiếp từ thiên nhiên và mẫu thật nữa. Tôi chỉ dùng chúng như những tư liệu tham khảo để dựng bố cục, như từ vựng trong cuốn từ điển để viết nên bài văn. Trong lối vẽ như vậy, đầu tiên tôi cần một ý tưởng bền vững, thường đến sau một thời gian dài suy nghĩ. Đôi khi, nếu tôi gặp may, ý tưởng có thể hiện ra trong giấc mơ, rồi tồn tại dai dẳng một cách ám ảnh, thôi thúc tôi phải quyết định thể hiện trên canvas.
Trong các tác phẩm của mình, tôi đặt các vật thể và hình người trong một không gian phi lý. Bằng cách này, tôi muốn tạo ra mối liên hệ giữa thế giới thực, trong đó chúng ta sống và nhìn thấy các vật, với thế giới ảo, không thể nhìn thấy được, nhưng có lẽ có thể linh cảm được.
Nhân nói về linh cảm, tôi có hai ví dụ cho quý vị. Trong bức tranh “Mona Lisa xứ Romania” tôi vẽ một cô gái có nụ cười ám ảnh, ngồi trên một sàn gỗ thủng, để lộ bầu trời xanh hiện ra phía dưới. Lỗ thủng vỡ theo hình bản đồ Romania, còn chỗ cô gái ngồi là vị trí thủ đô Bucharest. Tại phần nền trung tâm tôi vẽ một cây đàn grand piano cong queo, một nửa là con cá khô, trèo lên một con thuyền bằng giấy gấp. Tôi hoàn thành bức tranh vào ngày 1 tháng 3 năm 2011. Mười ngày sau đã xảy ra trận đại động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Khi xem truyền hình về động đất, tôi thấy các con tàu to lớn bị sóng thần cuốn đi, trôi bồng bềnh y như con thuyền giấy trong tranh của tôi. Tôi cũng thấy các cây đàn piano vỡ nằm trong các khu nhà đổ nát. Một số người bạn của tôi đã coi bức tranh này như một tiên đoán về trận động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản.
Lúc đầu, tôi nghĩ đó chẳng qua là một sự trùng hợp tình cờ. Nhưng đến bức “Vòi rồng” thì tôi phải tự hỏi liệu có thực tôi đã có một linh cảm nào đó. Bức tranh này ra mắt công chúng lần đầu tiên này 1 tháng 9 năm 2013 tại khai mạc triển lãm Chủ Thể lần thứ 49 ở Bảo tàng Mỹ thuật Tokyo. Ngày hôm sau, 2 tháng 9, một trận lốc xoáy vòi rồng cực mạnh đã xảy ra tại Koshigaya thuộc tỉnh Saitama, nơi tôi đang sống. Trận lốc xoáy đã phá hủy nhiều nhà cửa và làm hàng chục người bị thương.
Tham vọng của tôi là truyền tải một sự bí ẩn, tương tự như trong các kiệt tác của các bậc thầy cổ điển. Kỹ thuật vẽ sơn dầu do các đại danh hoạ Flamand, Phục Hưng và Baroque như Jan Van Eyck, Antonello da Messina, Leonardo da Vinci, Caravaggio, Rubens, Rembrandt, Johannes Vermeer đã bị mai một từ lâu. Việc đoạn tuyệt đầy bi kịch với truyền thống hàng trăm năm đã đẩy hội hoạ tới chỗ suy đồi kể từ đầu t.k. XX. Đề cao quá mức tính độc đáo, phủ nhận và lên án tất cả những gì đi theo truyền thống, coi chúng là thứ cấp, là cũ, là “không mới”, các hoạ sĩ đang trả giá bằng đánh mất chính kỹ năng nghề nghiệp của mình. Các hoạ sĩ trẻ, mới ra trường, khao khát danh tiếng và sự thành công tức thời tới mức ít ai có đủ kiên tâm để theo đuổi quá trình vẽ nhiều lớp đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và kỷ luật làm việc cao. Hơn nữa các kiến thức và kỹ năng này không còn được dạy trong các hoạ viện. Tại một số nước như Việt Nam, chúng chưa bao giờ được dạy, kể từ khi hội họa được người Pháp du nhập vào Việt Nam qua trường Mỹ thuật Đông Dương do Victor Tardieu mở năm 1925. Vì thế từ năm 2009 tôi đã có 2 buổi thuyết trình tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội và viết một series các chuyên khảo về kỹ thuật vẽ sơn dầu để các hoạ sĩ và sinh viên mỹ thuật Việt Nam tham khảo.
Qua ví dụ quá trình vẽ bức “Giấc mơ bạch tuộc” dưới đây, quý vị có thể thấy các bước chính trong kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp mà tôi đã đúc kết sau nhiều năm nghiên cứu các bậc thầy cổ điển.
Tại Việt Nam quê hương tôi, trong nhiều năm ròng cho đến tận giờ, thống trị một quan điểm “chính thống” rằng phải bám vào bản sắc dân tộc để phát triển trong văn học, nghệ thuật và âm nhạc. Quan điểm này mạnh đến nỗi đã trở thành đường lối giáo dục đào tạo, ảnh hưởng sâu rộng tới tư duy của nhiều hoạ sĩ và sinh viên mỹ thuật. Điều tôi muốn nói ở đây là, để trở thành đích thực, nghệ thuật phải chứa đựng các giá trị phổ quát mà các nền văn hoá khác nhau có thể cảm thông và chia sẻ được. Nghệ thuật lớn không dị lạ, mà cho phép có nhiều cách cảm nhận đa dạng. Nếu một bức tranh gây được cho những người xem khác nhau các cảm xúc, ấn tượng riêng, tùy theo nền tảng văn hóa và học vấn của họ, thì đó là một bức tranh đáng giá, bất kể tác giả của nó là người quốc tịch nào.
Hình ảnh trong bức “Reflection” là hình phản chiếu trong gương, trừ quả bơ và tờ giấy trên bàn đặt trước gương là “thực”. Nhưng tôi đã vẽ “thực” thành “ảo”, “ảo” thành “thực”, tức là hình ảnh trong gương là “xuôi”, còn hình ảnh của vật thực là hình ảnh “ngược”. Từ “Umber” trên tờ giấy trước gương là ngược, ảnh của nó trong gương mới xuôi. Hình người đàn bà trong gương là “thực”, như vậy người xem là “ảo”. Vậy là chúng ta – những người xem tranh – như đang đứng trong gương mà nhìn ra ngoài! Thế giới của chúng ta và bản thân chúng ta là ảo, còn thế giới sau mặt gương trong tranh mới là thực! Phải soi toàn bộ bức tranh vào gương thì thực mới thành thực, ảo mới thật sự là ảo.
Ánh nến trong tranh đi kèm với bóng tối tựa như Thiện đi kèm với Ác, như Rõ ràng bên cạnh Bí ẩn. Trong văn hoá phương Tây tấm gương phản chiếu linh hồn. Con dơi tượng trưng cho sinh tử vì nó bay ra giữa lúc nhập nhoạng sáng và tối và còn tượng trưng cho ma cà rồng. Trong văn hóa Á Đông, như ở Trung Hoa, con dơi lại tượng trưng cho hạnh phúc vì trong từ con dơi = 蝙蝠 (biên bức) có chữ phúc, và tiếng Tàu phát âm thành bian-fu giống 变福 = biến phúc. Năm con dơi trong văn hoá Tàu tượng trưng cho ngũ phúc: trường thọ 長壽, phú quý 富貴, khang ninh 康寧(thân thể khỏe mạnh, tinh thần yên ổn), hảo đức 好德 (có đức tốt, lương thiện), thiện chung 善終 (chết thanh thản).
Trong bức “Ngày trưởng thành”, tôi vẽ con trai tôi trước ngày cháu lên đường du học. Tấm hộ chiếu Việt Nam có dán thị thực nước ngoài của cháu bay cạnh tấm thẻ ngoại kiều do Nhật Bản cấp. Mười hai con giáp quay thành vòng tròn, trong đó Sửu là một ngưu ma vương đang bịt miệng một người đàn ông – chân dung tự họa của tôi – tay bị còng. Hình tượng này xuất phát từ bức xúc khi tôi xem đoạn video lan truyền trên YouTube, trong đó một linh mục công giáo bị công an Việt Nam bịt miệng ngay tại tòa án, như một minh chứng đáng xấu hổ về quyền tự do ngôn luận tại quê hương tôi. Con tôi và những bạn đồng lứa sẽ làm gì trước đoàn xe máy đang vượt đèn đỏ ầm ầm lao tới kia?
Khi vẽ tôi không quan tâm tới bản sắc dân tộc hay quốc tịch. Tôi không lựa chọn được bản sắc dân tộc và xứ sở khi tôi sinh ra. Vậy việc gì tôi phải lựa chọn khi đưa chúng vào tranh của mình? Nếu có gì đó liên quan đến những thứ này thì đó không phải là chủ định của tôi, mà là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều tôi quan tâm là những gì khiến tâm hồn tôi rung động, bất kể chúng đến từ Đông, hay Tây, chúng có Việt Nam hay không.
Quý vị thấy đấy, kết quả là, tuy tôi không thể kéo bờ biển Amalfi từ Ý tới quần đảo Amami tại Nhật Bản, tôi vẫn có thể cho chúng hội ngộ trong tranh của tôi.
Cũng bằng cách này, tôi đã cho các vũ công Florence múa trước đền Bà Kiệu:
Hay gán cho Chúa Jesus vẻ mặt Á Đông qua chân dung con trai mình:
Tôi vừa kể và cho quý vị câu chuyện bằng tranh Đông và Tây gặp nhau trong tôi. Nếu quý vị muốn xem thêm, quý vị chỉ cần vào Google gõ search “Nguyen Dinh Dang” thì sẽ thấy trang nhà, nơi có toàn bộ sưu tập tranh của tôi.
Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị.
1