Làm thế nào xác định tuổi của bức tranh?

Ngày đăng : 11:20:43 28-12-2018

Vụ lùm xùm tranh thật – tranh giả trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật t/p Hồ Chí Minh (10 – 21.7.2016), có thêm kịch tính sau khi hoạ sĩ Thành Chương tuyên bố bức tranh có tên “Trừu tượng” mang chữ ký của Tạ Tỵ và năm sáng tác 1952 trong sưu tập này là tranh của Thành Chương vẽ năm 1970 – 1971.

Nếu bức tranh được vẽ vào năm 1952 như được ghi trên tranh, hoặc trước đó thì cũng chưa chắc đó là của Tạ Tỵ, nhưng chắc chắn không phải của Thành Chương vì năm 1952 ông Chương mới lên 3. Nếu bức tranh được vẽ năm 1970 – 1971 như hoạ sĩ Thành Chương khẳng định thì chắc chắn đó không phải là tranh của Tạ Tỵ vì phong cách của Tạ Tỵ trong thập niên 1970 là trừu tượng (abstract), không phải lập thể (cubism) như trong bức tranh lập thể bị gán sai tên “Trừu tượng” nói trên. Còn khi đó nó có phải là tranh của hoạ sĩ Thành Chương vẽ hay không thì lại cần những bằng chứng bổ sung.

Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao xác định được bức tranh được vẽ năm nào?

Phương pháp xét nghiệm khoa học chính xác nhất trong trường hợp này là xác định tuổi bằng carbon-14 (carbon dating). Phương pháp này được nhà vật lý – hoá học người Mỹ Williard Libby phát minh vào năm 1949, đưa đến một cuộc cách mạng trong ngành khảo cổ học. Nhờ phát minh này ông đã đoạt giải Nobel hoá học năm 1960.

Carbon dating cho phép xác định thời gian trôi qua kể từ khi một động vật hay thực vật chết, ví dụ từ khi một cái cây bị đốn lấy gỗ làm strainer căng canvas, hay từ khi cây lanh được nhổ để lấy sợi dệt canvas. Phương pháp này dựa trên việc đo lượng carbon-14 còn lại trong chất liệu được xét nghiệm (ví dụ trong sợi vải dệt canvas của bức tranh). Carbon-14 là một đồng vị phóng xạ, phân rã theo thời gian. Sau khi một cái cây chết đi, lượng carbon-14 giảm dần với tốc độ xác định: mật độ carbon-14 giảm một nửa sau 5730 năm. Vì thế đo lượng carbon còn lại trong mẫu thử rồi so sánh nó với hàm lượng ban đầu thì sẽ biết được tuổi của chất liệu mẫu thử. Dĩ nhiên cách thử này cho phép xác định được tuổi của chất liệu chứ không phải năm mà vật được làm từ chất liệu đó. Vì thế để xác định chính xác tuổi của vật phẩm nghệ thuật, người ta thường cần thêm các chứng cứ hỗ trợ từ các nguồn khác.

Tuy nhiên, hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 và đặc biệt là các cuộc thử bom hạt nhân trong những năm 1950 đã sinh ra một lượng lớn neutron trong khí quyển. Neutron kết hợp với khí nitrogen trong khí quyển sinh ra carbon-14 và proton. Kết quả là hàm lượng carbon-14 trong khí quyển tăng gần gấp đôi chỉ sau khoảng 10 năm. Vì thế những vật phẩm được làm sau năm 1955, trong đó có canvas và ván gỗ để vẽ tranh, chứa một nồng độ carbon-14 cao hơn nhiều so với nồng độ này trong các vật phẩm được làm trước năm 1955. Hàm lượng carbon đạt cực đại vào những năm 1963 – 1965. Sau khi Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước cấm thử vũ khi hạt nhân trong khí quyển được (Partial Test Ban Treaty, PTBT) ngày 5.8.1963, mật độ carbon-14 trong khí quyển bắt đầu giảm dần. Đồ thị hànm lượng carbon trong những năm 1955 tới 2000 được gọi là đồ thị “đỉnh bom” (bomb peak), có đỉnh nằm trong khoảng năm 1963 – 1965 (Hình 1). Nhờ đồ thị này phương pháp xác định tuổi bằng carbon-14 trở nên rất chính xác, với sai số chỉ vào khoảng 1 – 2 năm đối với các vật phẩm được làm từ chất liệu có tuổi nằm trong khoảng từ năm 1955 tới 1995.

13737733_1733023863623173_2328027159539135632_o

Hình 1. Đồ thị đỉnh bom. Trục tung (pMC/percent) là hàm lượng (phần trăm) carbon-14 trong thời hiện đại (từ 1950). Trục hoành là năm tính từ 1945 tới 2000. Hai đường phân bố hơn khác nhau vì được đo tại bắc bán cầu (tím) và nam bán cầu (đỏ). Đường màu lam nằm ngang là mức bình thường (100%)

Đường đỉnh bom được áp dụng lần đầu tiên để phát hiện tranh giả Fernand Léger vào năm 2014.

Vào thập niên 1960 nhà sưu tập người Mỹ bà Peggy Guggenheim – chủ sưu tập Peggy Guggenheim tại Venice, mua một bức tranh được cho là của danh hoạ Pháp Fernand Léger trong series Tương phản hình khối danh hoạ này vẽ trong năm 1913 – 1914. Vào thập niên 1970, nhà phê bình Douglas Cooper đã tỏ ý hoài nghi tính xác thực của bức tranh, nên bà Peggy Guggenheim quyết định trả lại bức tranh về nơi bà mua nó, Gallery Louise Leiris ở Paris, và đòi hoàn tiền. Nhưng năm 1975 nước Ý đã xếp sưu tập Peggy Guggenheim vào bảo vật quốc gia, kể cả bức tranh nói trên. Vì thế từ đó tới nay bức tranh này vẫn thuộc sưu tập Peggy Guggenheim tại Venice, nhưng không được bày ra triển lãm nữa (Hình 2). Để so sánh, xem một bức Fernand Léger xịn trong series này ở Hình 3.

13718691_1733097066949186_5017693442667876838_n

Hình 2. “Tương phản hình khối“, 92 x 73 cm, sưu tập Peggy Guggenheim, Venice

13700137_1733097610282465_1303128814825531109_n

Hình 3. Fernand Léger
Tương phản hình khối (1913)
98.8 x 125 cm, Quỹ Solomon R, Guggenheim tại New York

Các nhà vật lý hạt nhân thuộc viện Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân Quốc gia tại Florence đã dùng phương pháp khối phổ gia tốc (accelerator mass spectrometry, viết tắt AMS) để xác định hàm lượng carbon-14 trong 1 cm vuông mẫu thử, được cắt từ phần mép canvas thừa ra ngoài khung của bức tranh (Hình 4). Mẫu thử này được làm sạch rồi đốt. Khí CO2 được cho phản ứng với hydrogen để tạo thành carbon ở thể rắn tại nhiệt độ 600 độ C.

13654229_1733099000282326_192480102717261280_n

Hình 4. Chi tiết mẫu thử từ canvas bức tranh trong sưu tập Peggy Guggenheim dưới kính hiển vi quang học

Kết quả đo bằng AMS đã xác định hàm lượng carbon-14 trong canvas của bức tranh là khoảng 129%. So sánh con số này với đường đỉnh bom có thể thấy ngay bức tranh chỉ có thể được vẽ trong các năm 1959, 1962, hoặc 1979 – 1980 (Hình 5). Hai năm cuối cùng bị loại vì khi đó bức tranh đã thuộc sưu tập của Peggy Guggenheim rồi. Như vậy bức tranh chỉ có thể được vẽ sớm nhất vào năm 1959. Fernand Léger không thể nào vẽ bức tranh này vì ông đã qua đời năm 1955. Kết luận: bức tranh Tương phản hình khối trong sưu tập Peggy Guggeheim là bức tranh rởm [1].

13726722_1733098390282387_1889963860176090509_n

Hình 5. Kết quả đo hàm lượng carbon-14 trong canvas bức tranh tại sưu tập Peggy Guggenheim ở Venice trên đổ thị chu kỳ đỉnh bom. Đường chấm chấm hai là các sai sộ đo đạc.

Quay trở lại bức tranh có chữ ký Tạ Tỵ đề năm 1952, nếu hàm lượng carbon-14 trong canvas của bức tranh này nhỏ hơn 100%, tức nằm dưới đường ngang màu lam trên đồ thị ở Hình 1 thì có nghĩa là bức tranh được vẽ trước 1955. Ngược lại, nếu hàm lượng carbon-14 cao hơn 100% có nghĩa là bức tranh được vẽ sau 1955. Nếu bức tranh được vẽ vào năm 1970 – 1971 như hoạ sĩ Thành Chương khẳng định thì hàm lượng carbon-14 trong canvas phải vào khoảng 150 – 155%.

Bằng phương pháp trên có thể giúp phân định liệu tuổi thực của các bức tranh trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung có đúng với tuổi được ghi trên tranh không, có nghĩa là biết được chúng là tranh thật hay giả mạo.
(Nguồn Nguyễn Đình Đăng)

Tags: