Màu rởm trong tranh giả

Ngày đăng : 11:18:05 28-12-2018

Vào cuối thập niên 1960 Marguerite Peggy Guggenheim (1898 – 1979), nhà bảo trợ nghệ thuật và người sáng lập Peggy Guggenheim Foundation với bảo tàng tại Venice, đã mua bức tranh “Tương phản hình khối” (Contraste de formes), được cho là một tác phẩm trong series cùng tên do danh hoạ Pháp Fernand Léger (1881 – 1955) vẽ từ cuối mùa hè 1913 tới tháng 8/1914. Sang thập niên 1970, sau khi nhà phê bình và sưu tập nghệ thuật người Anh Douglas Cooper (1911 – 1984) tỏ ý nghi ngờ tính xác thực của bức tranh, bà Peggy đã quyết định trả lại bức tranh cho gallery nơi bà đã mua và đòi hoàn tiền. Tuy nhiên, vào năm 1975, nhà nước Italia lại đưa bảo tàng Peggy Guggenheim tại Venice vào danh sách các bảo vật quốc gia, vì thế các tác phẩm của bảo tàng này, kể cả bức tranh bị nghi vấn nói trên, không được phép phân tán đi nơi khác. Kể từ đó bức tranh này được cất trong kho của bảo tàng, không bao giờ được triển lãm nữa.

18192332_1873390406253184_7047737338951514510_o

18156733_1873390556253169_3174518042394064098_o

Năm 2014, dùng phương pháp đo phổ khối trên máy gia tốc, các nhà vật lý viện Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia thuộc phân viện tại Florence đã đo hàm lượng carbon 14 từ một mẩu canvas khoảng 1 cm2 được cắt ra từ phần thừa ra ở strainer của bức tranh nói trên. Họ đối chiếu hàm lượng đo được này với biểu đồ hàm lượng carbon 14 trong khi quyển trong khoảng từ năm 1940 đến 2000 [1].

Do các vụ thử hạt nhân trong khí quyển vào hai thập niên 1950 – 1960, hàm lượng carbon trong khí quyển đã tăng vọt lên gấp đôi vào những năm 1963 – 1965. Sau hiệp ước cấm thử hạt nhân năm 1963 (PTBT Partial Test Ban Treaty banning Nuclear Weapon Tests in the Atmosphere, in Outer Space and Under Water), hàm lượng này đã lại dần dần giảm xuống, hướng về giá trị ban đầu đo vào năm 1950. Kết quả là biểu đồ hàm lượng carbon 14 trong khí quyển có đỉnh cao vọt vào khoảng năm 1963, vì thế có tên là đường đỉnh bom (Bomb peak curve). Biểu đồ này cho thấy các mẫu thử có hàm lượng carbon 14 vượt quá 100 pMC chắc chắn đều được làm ra sau năm 1950. Ký hiệu pMC là đơn vị được viết tắt từ “percent modern carbon”, hay “phần trăm hàm lượng carbon hiện đại”, trong đó carbon hiện đại là hàm lượng carbon đo được năm 1950.

18216752_1873390706253154_6802683850538452841_o

Đối chiếu hàm lượng carbon 14 trong mẫu thử từ bức tranh của Peggy Guggenheim Foundation (đường nằm ngan) với đường đỉnh bom

Hàm lượng carbon 14 trong mẫu thử từ bức tranh khả nghi nói trên là khoảng 129 pMC. Đặt kết quả này lên đường đỉnh bom, các nhà khoa học dễ dàng xác định canvas của bức tranh này có khả năng đã được dệt vào một trong 3 khoảng thời gian 1959, 1962, và 1979 – 1980. Khả năng cuối cùng (1979 – 1980) bị loại vì lúc đó bức tranh đã nằm trong sưu tập của bà Peggy rồi. Như vậy khả năng sớm nhất bức tranh được vẽ ra là 1959. Fernand Léger mất năm 1955. Vì thế ông không thể nào là tác giả bức tranh này. Kết luận: Bức “Tương phản hình khối” trong sưu tập của Peggy Guggenheim Foundation nói trên là tranh giả.

18192987_1873390786253146_918643489535811218_o

Một điều thú vị ở đây là, trước khi tiến hành xét nghiệm hàm lượng carbon 14, các nhà khoa học đã phân tích chất lượng hoạ phẩm của bức tranh này và đem so với một bức tranh cùng series do Fernand Léger vẽ năm 1913 (Léger xịn) trong sưu tập của Solomon R. Guggenheim Foundation do ông Solomon Robert Guggenheim, chú bà Peggy Guggenheim, sáng lập. Kết quả cho thấy:

– Canvas của bức tranh giả được dệt từ sợi bông (cotton canvas), trong khi canvas bức Léger xịn là canvas lanh (linen canvas);

– Sơn dầu trên bức tranh giả là sơn dầu hạng rẻ tiền, ví dụ màu trắng được làm từ lithopone, tức hỗn hợp sulfide kẽm với barium sulfate (ZnS + BaSO4); các màu đỏ và vàng trong bức tranh này đều là màu hữu cơ, và được trộn với lithopone. Trong khi đó bức tranh xịn được Fernand Léger vẽ dùng trắng chì (lead white), đỏ thần sa (vermilion, HgS) và vàng cadmium, tức là các màu xịn, chỉ có trong màu hạng hoạ sĩ ngày nay.

Phải chăng hoạ sĩ đểu thích dùng hoạ phẩm rẻ tiền để vẽ tranh rởm, còn hoạ sĩ xịn thích dùng các hoạ phẩm tốt nhất?

Tuy không phải ai thích dùng hoạ phẩm xịn cũng là hoạ sĩ xịn, nhưng chắc chắn không một hoạ sĩ nào nghiêm túc với sản phẩm của mình lại thích dùng hoạ phẩm chất lượng thấp, tức rẻ tiền (còn được gọi là hạng sinh viên).

(Nguồn Nguyễn Đình Đăng)

Nguyễn Đình Đăng

Nguyễn Đình ĐăNguyễn Đình 

Tags: