Sự kỳ bí của những bức họa các vị Thần Phật Tây Tạng

Ngày đăng : 11:01:07 28-12-2018

Người Tây Tạng thường gọi những bức tranh vẽ về chủ đề Thần – Phật là “đường tạp”. Dù đi đâu, họ chỉ cần treo “đường tạp” trong lều, thậm chí trên cành cây, ánh sáng từ tôn giáo sẽ khiến những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của họ được thay thế bằng những niềm tin lấp lánh, rực rỡ.

“Đường tạp” và mối quan hệ với người dân Tây Tạng

“Đường tạp” có mối quan hệ mật thiết với số mệnh của người dân Tây Tạng. Đối với người còn sống mà nói, đó là thứ để cầu nguyện, lễ bái, khi người thân của họ qua đời sẽ căn cứ theo quẻ bói mà mỗi người mất sẽ có một bức “đường tạp” nhất định, mang ý nghĩa phò tá, bảo vệ người mất trong hành trình ở cõi âm gian. Cũng có rất nhiều người nghèo không thể mua “đường tạp”, nhưng đối với họ đây là một đồ vật không có gì xa lạ bởi mỗi một ngôi chùa tại đây đều treo “đường tạp” trên tường.

Bức “Đường tạp” nhỏ nhất chỉ có kích thước bằng lòng bàn tay, được vẽ trên giấy hoặc tấm da cừu; đường tạp lớn có thể đạt tới kích thước hàng chục, thậm chí hàng trăm mét vuông, có thể được thêu trên gấm; đây thường là báu vật được cất giấu tại những gia tộc cao quý. Thường thường những bảo vật này chỉ được mở ra khi chủ nhân chọn ngày tốt lành hay lễ cúng lớn trong gia tộc, khi nó được mở ra, thậm chí có thể che kín một mặt quả đồi, đây quả thật là một nghi lễ rất long trọng.

(Ảnh: sohu)

Người Tây Tạng gọi chung các họa sĩ “đường tạp” là “lạp nhật ba”, có nghĩa là người vẽ các vị Phật hoặc các vị Thần. Trong đông đảo các người Tây Tạng, một số người đã được chọn ra để đảm nhiệm việc mô tả những điều vĩnh hằng. Họ thường là tu sĩ của các tu viện hoặc gia tộc lớn tổ truyền. Bản vẽ của “đường tạp” thường tái hiện quá trình các vị Thần Phật đến thế gian và quay trở lại thiên quốc. Một mô hình cố định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì thế mà kết cấu của “đường tạp” phải tuân thủ sự chính xác. Cho dù đó là một vị Phật mang tư thái trang nghiêm hay vẻ mặt uy mãnh, tất cả hình ảnh đều phải có tỷ lệ tương ứng, không được sửa đổi.

Bí mật vĩnh hằng

Bí mật lớn nhất mà “đường tạp” cất giữ chính là sự thủ cựu (tuân thủ những cái cũ), từ vựng này tượng trưng cho truyền thống vẻ vang của “đường tạp”, mỗi họa sĩ đã trở thành một bản sao của ký ức tôn giáo vì phải tuân thủ truyền thống này. Đúng vậy, tôn giáo cũng có những ký ức tôn giáo; chẳng hạn như quyển kinh thư rất dài nhưng một chữ trong đó cũng không được thay đổi, trong nghệ thuật Phật giáo cũng vậy, bao gồm cả “đường tạp”, đó là một công trình tỉ mỉ với những tỷ lệ hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ coi thường tài năng của nghệ sĩ, coi họ là những nghệ nhân không có cá tính. Mặc dù họ không bao giờ ghi lại tên mình trên bức “đường tạp”, nhưng họ lại được giao phó để cho mỗi một bức tỏa ra một sức cảm hóa lớn.

Các nguyên liệu màu vẽ để tạo ra và duy trì sự quyến rũ kỳ lạ này là một bí mật khác của “đường tạp”. Tất cả các nguyên liệu được lấy từ đất đai; nếu không phải khoáng chất quý thì cũng là thực vật quý hiếm, một số là đất đặc biệt. Việc chuẩn bị các nguyên liệu màu vẽ hoàn toàn thủ công, quá trình này diễn ra chậm và phức tạp. “Đường tạp” được vẽ bằng các nguyên liệu này có tác dụng phi thường và không đổi màu qua dòng chảy thời gian.

(Ảnh: sohu)

Ví dụ như vàng nguyên chất, đá quý, chu sa (đất đỏ), v.v. đều được các nghệ nhân tự tay mài giũa thành bột, phấn, sau đó đem nó điểm tô lên tác phẩm; vì thế “đường tạp” mang vẻ đẹp đáng kinh ngạc. Để làm cho bức tranh có bột vàng lấp lánh, cần phải liên tục chà nhiều lớp bằng đá mã não hoặc đá chín mắt; những tác phẩm này nhiều năm sau, ngay cả khi phần tranh vẽ bị mờ, thì phần chi tiết bằng vàng vẫn luôn còn sáng rõ.

Phần bột vàng vẫn sáng rõ trên bức “đường tạp” (Ảnh: xuehua)

“Đường tạp” đến gần hơn với thế giới

Từ khi có tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng, khách du lịch từ phía Đông ngày càng trở nên quen thuộc với văn hóa Tây Tạng, vì thế họ ngày càng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn tới nó. Đền, nhà sư và tín đồ sùng đạo được thấy ở khắp mọi nơi, yếu tố Phật giáo Tây Tạng trong văn hóa Tây Tạng mang lại ấn tượng trực tiếp nhất cho khách du lịch. Tất nhiên, trong những yếu tố này cũng bao gồm cả “đường tạp”.

(Ảnh: sohu)

Ban đầu “đường tạp” chỉ là một cuộn tranh có trục đứng, là tên gọi chung của tất cả các bức tranh có chủ đề Phật giáo ở Tây Tạng. Sau đó nó chỉ để gọi những bức tranh tường không thể mang đi hay gấp lại ở trong những điện thờ. “Đường tạp” thường được vẽ về chủ đề Đức Phật, là một loại tranh phổ biến trong nhà của người Tây Tạng dùng trong việc thờ cúng thường ngày, hay dùng để treo trong đền thờ tế bái tại chùa và tu viện. 

Có một quan điểm phổ biến, rằng “đường tạp” không khác gì cuốn bách khoa toàn thư, tôn giáo chỉ là một trong số đó, và có nhiều nội dung được bao hàm, bao gồm lịch sử, khoa học và đời sống xã hội. Tuy nhiên, thay vì nói rằng tất cả “đường tạp” là bách khoa của vùng cao nguyên Tây Tạng, thì chúng ta có thể coi toàn bộ khu vực Tây Tạng là một thế giới Phật giáo chứa đựng tất cả các yếu tố, từ thế giới “đường tạp” rộng lớn, tới sự hợp nhất của Phật giáo với kỹ thuật của nhân loại, của ý chí tôn giáo với sáng tạo cá nhân.

Sau đây mời quý vị độc giả cùng thưởng thức vẻ đẹp của một số tác phẩm “đường tạp”:

(Ảnh: sohu)
(Ảnh: sohu)
(Ảnh: sohu)
(Ảnh: sohu)
(Ảnh: sohu
Tags: