Jan Kasparec tin rằng, việc vẽ tranh và sự phát triển cá nhân là không thể tách rời, và bằng cách vẽ theo mách bảo của trái tim, ông có thể tạo ra một kiệt tác chân thực nhất của mình.
Đối với một nghệ sĩ chỉ có nguyện vọng mang lại vẻ đẹp cho thế giới, cuộc sống bình thường có thể phải là một sự cố gắng. Họa sĩ Jan Kasparec nói: “Tại sao cuộc sống này lại căng thẳng như vậy? là vì thế giới đã đi chệch khỏi đường ray. Ai ai cũng hô hào với bạn: ‘Hãy nghiêm túc lên! Hãy đi kiếm tiền đi!”.
Kasparec đã làm việc trong ngành tài chính nhiều năm, trước khi trở thành một nghệ sĩ chính thức; ông nói:
“Bây giờ, nếu bạn chọn đi theo con đường riêng do trái tim mình mách bảo, thì bạn sẽ trở thành một người đang chống lại nhiều người. Bạn đang sống trong một hệ thống tiền tệ, nhưng trái tim bạn không quan tâm đến tiền bạc. Trái tim của bạn chỉ quan tâm đến việc dâng hiến. Nó muốn bạn là người hào phóng. Nó muốn bạn là người hạnh phúc. Nó muốn bạn đẹp đẽ và sáng tạo. Nó muốn bạn vui vẻ nhảy múa”.
Kasparec tin tưởng rằng tác phẩm nghệ thuật của ông hiện nay đã phù hợp với sự trưởng thành về nội tâm. Kỹ năng và tinh thần của ông đã được tinh luyện cùng nhau để bản thân ông và nghệ thuật của ông trở thành những kênh dẫn tích cực và chân thực hơn; ông nhận xét:
“Thế giới bên ngoài cũng là một sự phản ánh của thế giới bên trong của chúng ta – chúng được hoàn toàn kết nối với nhau. Nghệ thuật của tôi luôn luôn thể hiện hành trình tâm linh của tôi“.
Ông nói rằng ông cố gắng thuận theo nhịp điệu của trái tim mình. Rất nhiều tiếng nói bên trong đã cố gắng chế ngự nhịp điệu đó, bao gồm cả bản ngã của chính ông, ông nói rằng, chính vì nghe theo bản ngã của mình – là cảm giác của ông về sự quan trọng tự thân – thay vì theo trái tim, đã khiến ông không đạt được sự mãn nguyện trong nhiều năm. Chỉ khi bản ngã của ông nới lỏng dây cương, thì ông mới bắt đầu được sống đúng với những giấc mơ của mình.
Một thời kỳ đen tối và sự phục hưng tâm hồn
Thuở nhỏ sống ở Tiệp Khắc, Kasparec may mắn có được bậc cha mẹ có đầu óc khá cởi mở; họ phát hiện ông có một tài năng nghệ thuật đặc biệt, nên đã cho ông theo học các lớp nghệ thuật bên ngoài trường học, để giúp ông bước đầu trau dồi khả năng nghệ thuật bẩm sinh của mình.
Nhưng do một nhận thức sai lệch khi đó rằng bản thân mình là một “trẻ vị thành niên ngông cuồng”, nên Kasparec đã rời bỏ môi trường nghệ thuật mà cha mẹ hướng cho, để bước vào một khoảng thời gian trong cuộc đời mà ông gọi là “thời kỳ tối tăm” của mình. Ông trở thành một thiếu niên luôn chạy trốn, thường gặp rắc rối, và lúc đó cái đẹp đã trở nên hiếm hoi trong cuộc đời ông.
Tới khi 19 tuổi, ông quyết định rằng cần có một sự thay đổi – thay đổi về một khía cạnh nào đó, ông nói. “Tôi chỉ cảm thấy tôi cần phải thoát khỏi thế giới này, thoát ra khỏi cái bóng tối mà tôi đã tạo ra xung quanh mình“. Ông đã gia nhập lực lượng vũ trang của NATO của Pháp, nhưng rồi nhanh chóng nhận thấy: “Tôi đã tự nhốt mình vào một loại nhà tù khác. Nhưng nó giúp tôi thức tỉnh. Nó làm tôi chấn động đến nỗi tôi nhận ra rằng, tôi mới chính là cốt lõi của sự đau khổ của chính mình”.
Thời kỳ tối tăm của ông kết thúc 5 năm sau khi gia nhập quân đội, khi đó ông 24 tuổi; ông nói: “Nó bất chợt đến trong tâm trí tôi. Đó là một ý tưởng như điên rồ từ trên cao nhảy xuống tâm trí tôi, nói rằng: ‘Này, bạn nên đi khỏi đây thôi và hãy bắt đầu lại việc vẽ tranh”.
Quay lại với nghệ thuật một lần nữa sẽ không có ý nghĩa gì nếu nhìn từ quan điểm thực tế. Ông đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đang học tập và làm việc toàn thời gian ở Paris để tạo dựng một nghề nghiệp về tài chính, để trở thành một “thành viên năng suất cao của xã hội“, như ông nói. Không có dư thời gian trong ngày để ông lãng phí vào một sở thích như vẽ tranh.
Nhưng rồi Kasparec đã phớt lờ những toan tính trong đầu óc của chính mình,, nhảy lên xe và lái đến cửa hàng bán đồ dùng nghệ thuật. “Tôi đã mua một bộ dụng cụ vẽ tranh sơn dầu, thứ mà tôi chưa bao giờ sử dụng trước đây“, ông nói. “Nhưng tôi đã mua chúng và bắt đầu vẽ ngay lập tức. Lúc đó tôi còn chưa biết vẽ thế nào. Nhưng tôi chưa bao giờ ngừng vẽ kể từ thời điểm đó”. Đó là câu chuyện của 14 năm về trước.
Kasparec vẽ tranh vào buổi tối và ngày cuối tuần trong khi học đại học, và sau đó trong khi làm công việc trong lĩnh vực tài chính cho Microsoft ở Dublin. Ông còn tham gia các khóa học vẽ cơ thể, nhân vật, và vẽ ngoài trời. Nhưng sự trưởng thành lớn nhất của Kasparec là từ những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc tự rèn luyện tay nghề của bản thân; ông nói:
“Trải qua rất nhiều thời gian thử nghiệm và sai sót, tôi đã tinh chỉnh nhãn quan của mình đến mức tôi có thể thực sự hiểu được các khái niệm về quan niệm. Tôi hầu như đã tự học bằng cách trực tiếp làm, và chỉ bằng cách luôn luôn làm cho đến khi tác phẩm trở thành bản chất thứ hai của tôi. Tôi nhận thấy, nếu bạn thực sự tiến bước và khám phá nó với một mong muốn tinh khiết nhất, nó sẽ mở tung cánh cửa ra cho bạn“.
Cuộc hành trình bên trong một hành trình
Khi Kasparec 29 tuổi, ông có kỳ nghỉ một tháng tới Argentina, và sự kiện này thực sự đã làm thay đổi cuộc đời ông.
“Khi tôi đến Argentina, cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi ngắm nhìn thế giới với con mắt của một người tự do, một người có năng lực và hoàn toàn tự do“. Trong một năm rưỡi sau đó, Kasparec đã từ bỏ công việc tại Microsoft và đi khắp thế giới. Đó là một hành trình khám phá trái tim của chính ông cũng như thế giới xung quanh.
Ông nói mình cảm giác giống như một “con ngựa được thả dây cương” và “chú chó săn vui sướng” vào mỗi lúc bắt đầu cuộc hành trình dấn thân vòng quanh thế giới. “Nhưng dần dà tôi đã quay trở lại nhìn vào trong … và cảm thấy đã đến thời điểm cần thay đổi“.
Theo lời gợi ý của một người mà ông đã gặp gỡ trong chuyến du hành của mình, Kasparec đã tới Ấn Độ để tham gia một khóa trị liệu bằng thiền định tại Bodh Gaya, được cho là nơi mà Đức Phật đã đạt được chứng ngộ.
“Tôi đã có cái nhìn sâu sắc đầu tiên vào tâm linh… Đó là khoảnh khắc đầu tiên được trải nghiệm sự tĩnh lặng và yên bình, một sự yên bình nội tại, khi con thú dữ trong đầu tôi cuối cùng đã phải bỏ đi … Nó giống như tia chớp đầu tiên, một vết nứt thực sự đầu tiên trên chiếc vỏ bọc bản ngã của tôi”, ông nói. Sau khi kết thúc vài ngày thiền định, với những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt cùng trái tim rộng mở, ông nhận ra rằng, “Cuộc sống này đúng là có một ý nghĩa sâu sắc hơn ta tưởng“.
Không lâu sau chuyến đi du hành của ông, một “người hướng dẫn” khác dường như lại ngẫu nhiên xuất hiện tại một quán rượu và gợi ý rằng Kasparec nên tới Vancouver. Ngay ngày hôm sau, Kasparec nộp đơn xin thị thực lao động tại Canada. Đơn xin của ông đã được chấp nhận, và ông chuyển tới đó vài tháng sau đó. Một lần nữa ông kiếm được một công việc về tài chính để có đủ giấy tờ để đến sống ở Canada; nên khi đối diện với sự kiện mất việc xảy ra sau đó vài tháng, ông đã nói, “Tôi chỉ chơi trò ú tim với các quy định nhập cư mà thôi“.
Ông nhớ rằng đã tự nhủ với lòng mình: “Được rồi, ta sẽ không đi tìm việc khác. Ta chỉ cốt sao cho các giấy tờ đầy đủ, và ta sẽ bắt đầu tìm kiếm một phòng tranh nghệ thuật để làm. Ta sẽ làm tất cả mọi thứ cần làm để có thể đầu tư toàn thời gian và công sức vào việc vẽ tranh này”.
Ông kể lại:
“Đó không phải là một con đường dễ dàng, nhưng sau ba hoặc bốn năm, tôi đã có một bước đột phá, vào lúc mà tôi hầu như đã tiêu hết tất cả tiền tiết kiệm và gần như hoàn toàn phá sản“.
Cảm động bởi tấm lòng thành
Ông đã vẽ về cảnh quan thiên nhiên cũng như thành phố, nhưng tranh bán được rất ít. Ông chia sẻ: “Tôi đã vẽ những bức tranh đẹp, nhưng chúng không hoàn toàn phù hợp với tâm tư của tôi”.
Tài khoản ngân hàng của ông khí đó đã trở nên trống rỗng, và ông nghĩ: “Được rồi, ta sẽ làm gì bây giờ nhỉ? Ta vẫn cứ vẽ và vẽ ngay cả khi đã phá sản và không được công nhận hay sao, hay ta sẽ nhận một công việc nào đó và chỉ vẽ tranh vào thời gian rảnh?”.
Khi Kasparec dành thêm thời gian để lắng nghe bản thân, trái tim ông đã mách bảo rất rõ ràng. “Tôi biết rằng tôi vẫn phải vẽ, rằng tôi phải cố gắng hết sức, thậm chí ngay cả khi tôi phải sống tại phòng tranh của mình và bán mọi thứ mà tôi có“, ông nói. Sau khi quyết định sẽ sống và làm đúng với chính mình, ông đã được nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật trong khi đang thiền định.
“Ngài đã đến với tôi”, ông nói. “Tôi mới vừa ngồi xuống,thì Ngài đã hiện lên trong đầu tôi. Đó là một khuôn mặt của Phật rất giản dị, đang mỉm cười, ngồi giữa những đóa hoa”.
Kasparec đã vẽ lại hình tượng của vị Phật mà ông nhìn thấy trong thiền định.
“Đó là bức tranh tâm linh đầu tiên mà tôi vẽ”, ông nói. “Tôi đã đăng nó lên Facebook và đã có người mua chỉ sau 5 phút“. Vì vậy, ông đã vẽ ngay một bức khác, lần này là chân dung khuôn mặt Đức Phật với một con bướm bay lượn quanh. Một lần nữa, đã có người mua bức tranh ngay lập tức.
“Những bức tranh đó đã đến với tôi từ trong tâm linh, và tôi chỉ phản ánh lại chúng trên vải vẽ. Không phải là tôi đang cố gắng đạt được hoặc truyền đạt bất kỳ thông điệp nào khác; tôi chỉ vẽ ra những gì tôi cảm thấy”, ông nói. Bức tranh ban đầu của ông được bán với giá chỉ 100 đô la. Sau đó là 200 đô la, rồi 500 đô la, sau đó lên tới 1.000 đô la, 10.000 đô la, 15.000 đô la.
“Thật kỳ lạ”, ông nói. “Tôi đã vô tình tạo dựng một thương hiệu khi không có ý định tạo thương hiệu. Tôi chỉ đang cố gắng phản ánh một cách chân thực những gì tôi cảm thấy“.
Đột phá rào cản trong tâm
Trong khi thiền định và giữ cho lòng mình cởi mở với dòng chảy của cảm hứng, việc vẽ tranh không phải lúc nào cũng thuận lợi dễ dàng. Có “thứ gì đó ở bên trong tâm bạn không muốn cho bạn ngồi xuống và làm công việc của bạn“, ông nói. “Và nó có cả “100 gương mặt khác nhau”, thậm chí bao gồm cả kỳ vọng của chính bạn”; Ông nhận xét:
“Là một nghệ sĩ, kỳ vọng của bản thân khó có thể buông bỏ, vì bạn luôn có một đòi hỏi cao như thế cho các tác phẩm của mình. Nhưng cuối cùng thì bạn vẫn cần phải buông bỏ nó đi thì mới có thể hòa mình vào thời khắc linh thiêng đó và đưa hình ảnh mà bạn nhìn thấy ra với đời sống”; Ông giải thích thêm rằng:
“Một khi tôi đột phá được rào cản này trong một vài giờ hoặc thậm chí là trong nửa ngày, thì tôi sẽ tiến nhập được vào trong một chiều không gian hoàn toàn khác biệt, nơi mà cái tôi của Jan Kasparec này đã biến mất. Đó là nơi mà trái tim mạnh hơn bản ngã, là nơi tôi thực sự có thể quên đi bản thân mình và biến thành một cái tôi hoành tráng nhất. Đó cũng là nơi mà tất cả những điều tốt đẹp nhất sẽ hiện ra trước mắt tôi”.
Theo J.H. White (Taste of Life)
Người đăng: Đỗ Thị Nhài (sưu tầm)