Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Theo tôi có các nhà điêu khắc lớn gắn liền với Cách mạng Việt Nam, gồm: Diệp Minh Châu, Phạm Mười, Nguyễn Hải, Phan Gia Hương". Trong đó, Nguyễn Hải là một nghệ sĩ xuất sắc luôn đưa tính thời đại và ý nghĩa nhân văn vào từng tác phẩm của mình.
Ngày sinh: 5 tháng 10 năm 1933
Ngày mất: 19 tháng 11 năm 2012
Quê quán: xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Mĩ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang)
Tác phẩm: Tượng Thủ Khoa Huân, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), Bà mẹ Tổ quốc (nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh), Công nhân đấu tranh (ngã bảy, Thành phố Hồ Chí Minh), Ba chiến sĩ gang thép (Ấp Bắc, Tiền Giang), Thánh Gióng (Bảo tàng Singapore).
Giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000), Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2.
Chân dung nhà điêu khắc Nguyễn Hải
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải quê quán tại làng Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 14 tuổi, ông gia nhập Tiểu đoàn 307, một đơn vị lừng danh anh hùng của đất Nam bộ thời ấy. Tại đơn vị này sau một thời gian ngắn làm giao liên, ông được lãnh đạo cho đi học vẽ. Khi kết thúc khóa học, ông về lại đơn vị bắt tay vào công việc trình bày cho tờ báo của Tiểu đoàn 307. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và thi đậu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội hệ trung cấp. Lúc đầu, ông theo ngành hội họa. Sau đó tự đánh giá lại khả năng của chính mình, ông chuyển sang học ngành điêu khắc. Năng lực của ông nhanh chóng được khẳng định bằng năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực. Sau 2 năm học, ông đã thi vượt cấp vào hệ cao đẳng. Không chỉ học giỏi, ông còn đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật toàn quốc và có tác phẩm triển lãm tại Hà Nội. Ra trường năm 1963, điêu khắc gia Nguyễn Hải về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải
Ông trở thành hội viên ngành điêu khắc Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1963. Trong kháng chiến chống Pháp ông là hoạ sĩ thuộc Ban chính trị Tiểu đoàn 307 sau thuộc Sư đoàn 330 (1948- 1956). Tiếp đó, ông làm giảng viên điêu khắc Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội (1963 - 1977); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Mĩ thuật Việt Nam khoá II (1983- 1989); Nghệ sĩ tổ sáng tác Hội Mĩ thuật Việt Nam. Trong quá trình công tác, ông đã được tặng: Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam. Cùng với công tác giảng dạy, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã có một loạt sáng tác tượng nhỏ dựa trên phong cách điêu khắc gỗ Đình làng rất đặc sắc. Tuy nhiên, người ta biết đến ông bằng những tác phẩm mà ông đã sáng tác, trưng bày tại các triển lãm Mỹ thuật Mùa Xuân năm 1967, triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc năm 1973 đó là các tác phẩm: Thánh Gióng, Nguyễn Văn Trỗi, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Những người Mẹ - những người Chị, Cuộc chiến đấu tự vệ, Hồ Xuân Hương... điêu khắc của thế hệ thứ hai mở đường cho điêu khắc hiện đại Việt Nam.
Tượng Nguyễn Văn Trỗi (1973), bằng đồng, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
Nguyễn Hải là nhà điêu khắc hàng đầu của nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam, những tác phẩm điêu khắc tượng đài và tượng tròn xuất sắc của ông là những tác phẩm về đề tài kháng chiến và cách mạng. Ông có nhiều tìm tòi sáng tạo, có phong cách riêng độc đáo, là người cách tân nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam, có ảnh hưởng sâu rộng tới các thế hệ kế tiếp và mở ra một hướng đi mới cho ngành điêu khắc. Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: "Theo tôi có các nhà điêu khắc lớn gắn liền với Cách mạng Việt Nam, gồm: Diệp Minh Châu, Phạm Mười, Nguyễn Hải, Phan Gia Hương".
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Hải là những tác phẩm xuất sắc về kháng chiến và cách mạng, ông đã có nhiều tìm tòi sáng tạo, có một phong cách riêng độc đáo, có ảnh hưởng sâu rộng và mở ra một hướng mới cho ngành điêu khắc. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Nhiều tác phẩm của ông đã được trao tặng những giải thưởng xứng đáng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải thời kỳ ở Hà Nội là những tác phẩm điêu khắc quý của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm điêu khắc của ông do điều kiện chiến tranh chỉ mới được thể hiện bằng thạch cao nay đã được bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chuyển thành chất liệu đồng như: Nguyễn Văn Trỗi, Thánh Gióng, Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải nổi tiếng không chỉ ở những tác phẩm tượng đài mà trong những năm sáu mươi và bẩy mươi của thế kỷ hai mươi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc mở đầu cho sự cách tân ngôn ngữ điêu khắc Việt Nam hiện đại. Từ năm 1957 đến năm 1963 ngay trong thời gian học tập ở nhà trường ông đã có nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: tượng Công nhân (1957), Đài hòa bình (1962), Cuộc chiến đấu tự vệ, Những người chị, người mẹ, Công nhân mỏ, đó là những tác phẩm gắn bó với công cuộc xây dựng miền Bắc và ước vọng hòa bình thống nhất của nhân dân cả nước.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải và vợ bên tượng Gióng
Ông là tấm gương lao động sáng tạo nghệ thuật, sống giản dị, gần gũi chân thành với bạn bè, đồng nghiệp, được công chúng và giới Mỹ thuật kính trọng. Nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất. Năm 2001 Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tặng nhà điêu khắc Nguyễn Hải giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2) cho các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi - tượng đồng, Gióng - tượng thạch cao (1973), Chiến thắng Điện Biên Phủ - nhóm tượng đài, Mùa xuân chiến thắng 1976, Đài tưởng niệm hòa bình - đá cẩm thạch (cao 5m). Ông là tác giả ít tuổi nhất và là tác giả duy nhất tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội sau năm 1954 được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
Người đăng: Phạm Thành Hương (sưu tầm)