Jean Dunand: “Tôi đã nghĩ ra cách dùng vỏ trứng.

Ngày đăng : 10:11:40 11-10-2018

Liliane Sarcey
Nguyễn Đình Đăng trích dịch

Lời người dịch:

20106614_1916074431984781_3180444009356349762_n

Jean Dunand (1877 – 1942) là hoạ sĩ gốc Pháp, sinh tại Thụy Sĩ. Ông được coi là một trong những hoạ sĩ sơn mài lớn nhất thời kỳ Art Déco. Học trường Nghệ thuật Công nghiệp Genève năm 1891 – 1895, ngành điêu khắc, ông hai lần đoạt giải nhất và một lần đoạt huy chương bạc về chạm và điêu khắc tại các cuộc thi các trường mỹ thuật ở Genève. Năm 1897 ông được thành phố Genève cấp học bổng sang Paris học tại trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia. Từ đó sự nghiệp nghệ thuật của ông gắn với nước Pháp. Năm 1905 ông được bầu vào hội mỹ thuật quốc gia Pháp (Societé Nationale des Beaux Arts). Năm 1922 ông nhập quốc tịch Pháp.

Năm 1912 nghệ thuật của Jean Dunand có bước ngoặt mới. Ngày 18/2/1912, tại Paris, Jean Dunand đã gặp Seizo Sugawara (1884 – 1937) – nghệ nhân sơn mài Nhật Bản (urushi), sang Paris từ năm 1898 để phục chế các đồ sơn mài của Nhật tại Hội chợ Thế giới năm 1900, sau đó ở lại. Sugawara đã dạy Dunand kỹ thuật sơn mài Nhật Bản (13 buổi học trong 2 tháng) để đổi lấy kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật đúc đồng từ Dunand. Từ đó sơn mài đã trở thành một trong những chất liệu chủ đạo trong các tác phẩm của Jean Dunand. Trong Đệ Nhất Thế Chiến Jean Dunand đã dùng sơn ta để sơn bảo vệ cánh quạt gỗ của máy bay chiến đấu. Các thành công của ông đã khích lệ nhà nước Pháp cho mở Hội sơn mài Đông Dương (la Société des laques indochinoises) tại Boulogne-sur-Seine năm 1917. Trong phân xưởng sơn mài Jean Dunand mở tại Paris ngay sau Đệ Nhất Thế Chiến, ông dùng sơn ta nhập từ An Nam và thuê thợ bản xứ từ An Nam.

Ngày 3 tháng 12 năm 1925 tác giả Liliane Sarcey đã tới thăm xưởng của Jean Dunand tại khu Montparnasse. Bài báo viết về cuộc viếng thăm này sau đó đã được đăng tại Conferencia (Journal de l’Université des Annales) No 9 năm 1926 [1].

Trong bài có phần nói về kỹ thuật sơn mài và mô tả phân xưởng sơn mài cùng một số tranh và đồ sơn mài. Tôi dịch phần đó dưới đây để độc giả trong nước có thêm một thông tin liên quan tới sơn mài Việt Nam.

N.Đ.Đ.

 

20228833_1916076691984555_8410263421804816490_n

Jean Dunand năm 1917

Bây giờ chúng ta chuyển sang sơn mài. Trước khi để ông Durand có thời gian tiếp tục nói, chúng tôi đánh bạo hỏi ông một câu:

– Người ta phải nói sơn mài như một từ giống cái (une laque) hay giống đực (un laque). Đây vẫn còn là điều bí ẩn đối với chúng tôi.

-Người ta nói, ông Dunand trả lời, la laque (danh từ giống cái, N.D.) khi nói về nó như một chất liệu. Nhưng người ta dùng từ “un laque” (danh từ giống đực, N.D.) khi nói về một đồ phủ sơn. Với sơn mài người ta dùng gỗ mềm (không phải gỗ sồi hay gỗ thích), nhưng không cong vênh, như gỗ lê, gỗ tabasco, và tất cả các loại gỗ gụ.

Đây là các công đoạn làm một sản phẩm sơn mài:

– Gỗ được quết lớp đầu tiên bằng sơn sống, rất dính.

-Bọc vải – Công đoạn này bao gồm việc dùng vải bọc bề mặt lớp sơn đã được quét để giấu các vân gỗ.

-Mài nhẵn lớp này. – Không được quết dày quá, nếu không phía dưới sẽ không cứng lại được. Đó là vì sao chúng tôi để khô năm ngày mới mài. Và người ta còn mài một lớp mới nữa. Lớp thứ nhất chỉ được mài ráp để lớp thứ hai bám được lên lớp thứ nhất. Nếu người ta phủ lớp nọ lên lớp kia (mà không mài ráp), các màng sơn có thể sẽ bong ra.

Công đoạn cuối cho bạn thấy một màu đen rất sâu, hơn bất cứ màu đen nào. Đó là sơn bị oxy hóa trong sắt. Người ta đánh sơn đựng trong những cái thố sắt trong vòng tám ngày để thu được màu đen trơn mượt và sâu này.

Để làm sơn mài, người ta dùng những cây cọ (bút lông) bẹt làm bằng tóc người Tàu, được buộc rất chặt. Trong quá trình dùng, người ta gọt cọ như gọt bút chì.

Để có sơn đỏ, người ta dùng bột màu thực vật. Những màu khoáng chất không hòa được với sơn. Vì thế khó mà tạo được một thang màu sắc. Không có màu lam, vì màu lam bị sơn ăn. Người ta có thể vẽ nền theo nhiều cách khác nhau, nhưng không có sơn trắng. Vì thế tôi đã nghĩ ra cách dùng vỏ trứng.

Vỏ trứng

Người ta có thể dùng mặt ngoài hay mặt trong của vỏ trứng. Nếu là mặt ngoài thì sẽ phải thấy những hình tròn nhỏ lồng vào nhau. Sau khi được phủ sơn, vỏ trứng sẽ cho những gồ ghề nhỏ. Ngược lại, nếu dùng mặt trong, một khi được nghiền ra, chúng ta sẽ thấy những khoang nhỏ được viền bằng một lưới màu trắng hoặc vàng. Đó là cạnh của vỏ trứng. Người ta có thể thu được một loạt trắng ngả vàng khi dùng trứng vịt, ngả lục khi dùng trứng gà gô, hoặc khi dùng trứng gà Cochinchinois (miền nam Việt Nam, N.D.) có màu sẫm hơn gà châu Âu của chúng ta. Phải phủ một lớp sơn tương đối dày để vỏ trứng dính được lên một mặt phẳng và sau đó có thể được mài nhẵn mà vẫn giữ được sắc độ của chúng.

19961642_1916587181933506_2651995593345735725_n

Jean Dunand đang hướng dẫn một thợ sơn mài người Pháp gắn vỏ trứng

Ông Dunand cho chúng tôi truyền tay nhau xem vài sản phẩm của ông: đầu tiên là những miếng gỗ nhỏ phủ sơn, những mẫu mã rất lý thú, kết quả nhiều năm nghiên cứu của ông, màu sơn đen, đỏ, hay vàng kim, nổi vân như vảy cá, rắc bụi vàng hay xà cừ, thường được khảm vỏ trứng, hoặc vô số vỏ được tán nhỏ trông như bột bạc, tất cả trong một thang màu rực rỡ. Sau đó là cách sử dụng các mẫu mã đó, những diềm trang trí sơn mài cho cửa xe hơi. Chúng tôi còn thấy cả một phần chiếc mũ được làm cho thống chế Foch kèm ảnh chụp sản phẩm đã hoàn thành.

Nhấc một chiếc bình lớn được làm từ độc một miếng kim loại phủ sơn mài, nghệ sĩ cười và nói:

-Đây là đứa con cuối cùng của tôi. Tôi để lại vài chỗ gồ ghề để làm sinh động chất liệu. Một sản phẩm tương tự như thế này nhưng được làm bằng máy sẽ không có sự mềm mại uyển chuyển chỉ có bàn tay mới tạo ra được.

15195968_1917621095163448_2669254141279287063_o

Jean Dunand
Bình cẩn vỏ trứng (1925)

20157494_1917621765163381_4537588353538478959_o

Jean Dunand 
Mặt bàn cẩn vỏ trứng (trích đoạn), kh. 1925

Sau đó đến các bức chân dung đặt trên một cái giá có tấm bảng đen: các chân dung trẻ em, bằng sơn mài vàng kim, tựa như phù điêu kim loại, chân dung một nhà tạo mốt nổi tiếng mà nhiều phụ nữ nhận ra ngay lập tức. Nhưng không phải sự giống hấp dẫn chúng tôi. Bản thân tác phẩm mê hoặc chúng tôi. Nước sơn trong làm hiện lên những vỏ trứng và hình vẽ như một chiếc áo được trang sức lộng lẫy. Cuối cùng, chân dung bà Dunand đã được hoan hô nhiệt liệt. Chưa bao giờ nét cọ của hoạ sĩ lại uyển chuyển hơn thế, những đường uốn lượn của khăn quàng, màu sắc của áo dài , vẻ nghiêm trang của khuôn mặt. Tại Galerie Georges Petit nơi ông Dunand từng bày bức chân dung này, bức tranh đã được tất cả mọi người hưởng ứng. Và chúng tôi cũng vinh hạnh được đắm chìm trong nhiệt tình đó, tác phẩm có lẽ là rung cảm nhất của bậc thầy, của tác giả, và của người mẫu.

20117134_1916062501985974_4064031444315802630_o

Jean Dunand
Chân dung bà Dunand (1925)
sơn mài, 88 x 63.5 cm

20158029_1916062838652607_4867770475026942664_o

Jean Dunand
Chân dung bà Agnes (1925) 
sơn mài, 82 x 51 cm

20045367_1916064435319114_4196660859366119431_o

Jean Dunand
Những vùng miền của nước Pháp (1937) 
sơn mài

Để bổ sung cho những giảng giải dù đã rất rõ ràng, ông Dunand dẫn chúng tôi theo từng nhóm nhỏ vào xem các phân xưởng nơi những kỹ thuật tinh tế này được thực hành.
Thăm các phân xưởng

Gian đầu tiên dành cho các sản phẩm dùng vỏ trứng. Những thanh niên Đông Dương, dùng những chiếc gắp như của thợ đồng hồ, kiên nhẫn gắp như máy những miếng vỏ trứng đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Nhanh nhẹn và khéo léo, họ tạo ra những hình khảm, những hình hoạ cân đối, đôi khi thêm vào những mảng xà cừ gây hiệu quả thú vị. Sau khi vỏ trai được gắn, người ta quét một lớp sơn ta lên trên. Đựng trong một cái bát, để gần bàn làm việc, chất liệu màu nâu này trông giống như một thứ đường thắng nhão được pha loãng. Lớp sơn này là cần thiết để bịt các khe nứt giữa các mảnh vỏ trai. Sau đó phải mài tất cả bề mặt để làm vỏ trai hiện lên. Những người thợ An Nam bé nhỏ, mắt xếch, còn trang trí một tấm gỗ dài dùng làm giá gương có hình những con cá nạm bạc. Khi được dựng lên, ánh vàng lấp lánh trên nền sơn mài đen gây ấn tượng của tia sáng mặt trời chiếu qua nước.

Rời xưởng, chúng tôi bước sang một căn phòng ẩm ướt, kiểu như nhà tắm hơi, nơi các sản phẩm sơn mài cứng lại. Nước được chảy suốt đêm để giữ độ ẩm. Việc khô này rất biến thiên. Phải mất tám ngày, đôi khi hai tuần, sơn mới khô. Trong cuối tuần trăng, sơn hầu như không khô. Một trong những thợ sơn mài bản xứ đã tiết lộ cho chúng tôi điều nghe có vẻ như một huyền thoại từ Viễn Đông này. Họ còn than vãn ở đây quá lạnh, quá buồn chán dưới bầu trời lúc nào cũng xám xịt của chúng ta! Ông Durand kể cho chúng tôi rằng ông không thể giữ họ quá 2 năm mà không cho họ về thăm nhà. Và chúng tôi kinh ngạc thán phục món mỹ nghệ sơn mài này, ở chỗ tất cả nguyên vật liệu phải chính xác, ở chỗ nhân công được tuyển lựa rất khó khăn, và cuối cùng, quan niệm về một nghệ sĩ như ông Dunand đã đổi mới môn mỹ nghệ này, biến nó thành một nghệ thuật đích thực, như thời hoàng kim Nhật Bản.

20155712_1916072918651599_5585230037904134723_n

Jean Dunand
Bình phong sơn mài

20245713_1916078158651075_6734768983436141950_n

Jean Dunand và Paul Jouve,
Con báo (1924)
sơn mài, 58.4 x 114.9 cm, The Metropolitan Museum of Art, New York

Phụ lục:

Quy trình chi tiết kỹ thuật sơn mài của Jean Dunand được mô tả tại trang
http://www.jean-dunand.org/menu.htm

Trong đó nói rõ:

Lớp sơn sống đầu tiên được để 5-6 ngày cho cứng lại và sau đó được đánh giấy ráp rất mịn. Tiếp theo là bọc vải lanh để làm cốt và giấu thớ gỗ. Lớp vải này được dán bằng sơn sống và lại được để khô 5 – 6 ngày nữa. Sau đó, cốt được củng cố bằng cách phủ nhiều lớp mat-tít bằng sơn trộn với mùn cưa được rây rất mịn, để lấp các lỗ trên mặt vải và loại bỏ tất cả vết gợn của thớ vải. Loại mat-tít này được phết lên bằng một dụng cụ bẹt bằng sừng. Mỗi lớp (cần phết nhiều lớp để bề mặt trở nên phẳng tuyệt đối) sau đó phải được sấy khô trong buồng ẩm trong vòng 6-15 ngày, và một khi đã khô phải được mài bằng đá mài và nước. Các lớp sau là sơn mài trộn với đất được rây mịn, được phết lên bằng bút lông làm từ lông đuôi trâu. Đất này được nhập từ Đông Dương, mà cũng có thể là đất sét trắng (kaolin), có độ mịn tăng dần theo đà các lớp chồng lên nhau. Không thể làm dưới 5 lớp, nhưng có thể lên đến 15 lớp. Mỗi lớp đều phải được để khô cứng trong vòng từ 6 đến 10 ngày trong môi trường ẩm, sau đó được mài với nước. Hơn nữa, các lớp sơn trộn đất được xen kẽ bằng những lớp sơn sống để nuôi và làm các lớp sơn trộn đất cứng lại.”

Kỹ thuật dùng vỏ trứng của Jean Dunand được mô tả như sau:

Kỹ thuật gắn vỏ trứng đã từng được người Nhật dùng để trang trí đốc gươm hay vỏ gươm, nhưng Jean Dunand mới là người đầu tiên đã áp dụng nó trên diện rộng, để thay màu trắng không có trong sơn mài. (…) Sau khi được rửa sạch và loại bỏ màng bên trong, vỏ trứng được nghiền nát, rồi được rây để chọn các mảnh vỡ theo kích thước của chúng. Người ta dùng kẹp gắn từng hạt vỏ trứng li ti đó cạnh nhau lên mặt sơn còn ướt, như một mosaic, theo hình vẽ đã định trước. Sau đó chúng được mài để đạt được bề mặt nhẵn phẳng. Rồi người ta phủ lên một lượt sơn trong để lấp các khoảng trống giữa chúng. Tùy theo hiệu quả mong muốn, lớp sơn trong này, hoặc cả lớp sơn trên đó vỏ trứng được gắn lên, có thể có màu hổ phách hoặc màu đen, đều cho những chuyển sắc rất đẹp.”
                                                               Người đăng: Phạm Thành Hương (sưu tầm)

Tags: