1873: Bức tranh “Fuji tagoura” do Shibata Zeshin (1807 - 1891) vẽ năm 1872 bằng sơn mài Nhật bản (urushi) đoạt giải thưởng Tiến bộ tại Triển lãm Thế giới tổ chức ở Vienna (Áo), đánh dấu lần đầu tiên thế giới biết đến tranh sơn mài như một thể loại hội hoạ.
1901: Pháp mở trường mỹ nghệ Thủ Dầu Một đào tạo thợ thủ công trong đó có thợ sơn ta.
1902 - 1906: Công ty sơn ta J.B Besnard & Cie và Tập đoàn Đông Dương trồng sơn ta đại trà tại Phú Thọ.
1912: Jean Dunand (1877 - 1942) học kỹ thuật sơn mài Nhật Bản từ Seizo Sugawara tại Paris.
1913 - 1914: Gaston Suisse (1896 - 1988) đoạt huy chương vàng về đồ sơn tại trường Cao đẳng Quốc gia Nghệ thuật Trang trí Paris (École Nationale Supérieure des Arts Décoratifs).
1914 - 1918: Jean Dunand dùng sơn mài sơn cánh quạt máy bay để tăng độ bền.
1917: Hội sơn mài Đông Dương (la Société des Laques Indochinoises) được thành lập tại Boulogne-sur-Seine, Paris.
1920: thợ sơn mài An Nam sang Paris hành nghề tại quận 14. Jean Dunand nhập sơn ta từ Đông Dương và thuê thợ sơn mài An Nam làm trong xưởng. Ông là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật cẩn vỏ trứng trên diện rộng. Gaston Suisse dùng sơn ta do Đăng Bùi, nghệ nhân sơn mài An Nam, cung cấp. Cuối thập niên 1920 sơn ta được coi là một trong những kỹ nghệ mới tại Paris
1922 - 1923: Alix Angèle Marguerite Hava (Alix Aymé) (1894 - 1989) học sơn mài từ một thầy Nhật tại Hà Nội, nuôi ý đồ mở lớp dạy vẽ tranh sơn mài cho học trò An Nam.
1924 - 1927: Jean Dunand và Gaston Suisse dùng sơn ta nhập từ Đông Dương để vẽ những bức tranh sơn mài đầu tiên đậm chất hội hoạ.
1924: Taiwa Matusoka bắt đầu dùng sơn mài như một chất liệu hội hoạ.
1924, ngày 27 tháng 10: Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký sắc lệnh thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD).
1925, tháng 4 - tháng 10: Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại (Exposition internationale des arts décoratifs et industriels modernes) tại Paris đánh dấu sự ra đời của khái niệm Art Déco. Jean Dunand là phó chủ tịch phân hạng Kim loại tại triển lãm này. Ban tổ chức triển lãm đặt Jean Dunand làm một số sản phẩm sơn mài bày tại triển lãm.
1925, tháng 11: trường MTĐD khai giảng khoá I. Sơn mài là môn được đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ đầu. Bà Alix Aymé là giáo sư của trường từ tháng 6 năm 1925 tới 1936.
1927 - 1930: Joseph Inguimberty mở ban sơn mài tại trường MTĐD.
1931: Triển lãm Thuộc địa tại Paris (Exposition coloniale internationale). Jean Dunand đoạt Grand Prix, Gaston Suisse đoạt huy chương vàng vì các tác phẩm sơn mài của họ. Lê Phổ tham dự triển lãm với bức sơn mài “Phong cảnh Bắc Kỳ” vẽ năm 1930.
1934: Taiwa Matsuoka mở triển làm cá nhân đầu tiên bày tranh sơn mài.
1935: Taiwa Matsuoka công bố “Tuyên ngôn độc lập cho tranh sơn mài”.
1936: Các đồn điền trồng cây sơn ở Phú Thọ cung cấp khoảng 6000 tấn sơn ta mỗi năm. Bắc Kỳ có 11 cửa hàng kinh doanh sơn ta, 6 ở Hà Nội và 5 ở Phú Thọ. Các thương gia Nhật Bản mua sỉ sơn ta Phú Thọ với giá 110 đồng Đông Dương cho sơn mặt dầu, 70 đồng - sơn nhất, 15 đồng - sơn nhị, 10 đồng - sơn thịt (giá của 100 kg).
1937: Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật và Kỹ thuật trong Cuộc sống Hiện đại (Exposition Internationale des Arts et Techniques dans la Vie Moderne) tại Paris (EXPO Paris 1937). Jean Dunand làm chủ tịch ban sơn mài tại triển lãm, đồng thời là phó chủ tịch nhóm nghề thủ công và ủy viên hội đồng giám khảo. Bức tranh sơn mài “Ba thần mỹ nữ" (1935) của Katsu Hamanaka (1895 - 1982) đoạt Grand Prix. Sơn mài của Gaston Suisse đoạt huy chương vàng. Trường MTĐD tham gia triển lãm.